Multimedia Đọc Báo in

64 tỷ đồng tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho người dân trên địa bàn tỉnh

19:21, 24/08/2020

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Theo kế hoạch này, nhằm giảm tỷ lệ mắc, chết do bạch hầu, tăng tỷ lệ tiêm chủng để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng vắc xin được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tháng 8 và tháng 9-2020) tiêm vắc xin Td cho những xã đã ghi nhận các ca bạch hầu từ năm 2019-2020; giai đoạn 2 (từ tháng 9 đến tháng 12-2020), tiêm vắc xin Td cho 50 xã, thị trấn của 5 huyện Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Cư M’gar và M’Đrắk (trừ các xã đã tiêm trong giai đoạn 1); giai đoạn 3 (từ tháng 1 đến tháng 6-2021) tiêm vắc xin Td cho các huyện còn lại trong tỉnh.

Đối tượng tiêm chủng của Chương trình là người từ 2 tháng tuổi trở lên. Cụ thể: trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT; trẻ từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn tiêm 2 mũi vắc xin Td.

Tiêm vắc xin bạch hầu cho người dân xã Cư Prao, huyện M'Đrắk - nơi mới ghi nhận một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu
Tiêm vắc xin bạch hầu cho người dân xã Cư Prao, huyện M'Đrắk - nơi mới ghi nhận một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu

Kinh phí dự kiến để thực hiện Kế hoạch này là 64 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ vắc xin và vật tư tiêm chủng khoảng 36 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 28 tỷ đồng.

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh bạch hầu nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học nhất là vùng có ổ bệnh và vùng liên quan. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh bạch hầu nói riêng; tích cực và tuân thủ việc tiêm vắc xin Td theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh bạch hầu cho bản thân và cộng đồng.

          Bùi Phạm Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.