Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên

21:05, 28/09/2020

Ngày 28-9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Tham dự hội nghị, có hơn 400 đại biểu, đặc biệt trong đó có hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: H.Gia

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: chủ đề của hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bởi đây là khu vực không chỉ được Đảng, Nhà nước xác định có tầm chiến lược về an ninh quốc phòng mà còn có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các thế mạnh, tiềm năng về kinh tế biển, dịch vụ du lịch; nông nghiệp công nghệ cao.

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành, địa phương đối thoại với nông dân. Ảnh: H.Gia

Tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều câu hỏi do nông dân đặt ra mong Chính phủ, các bộ, ban, ngành giải đáp, chủ yếu xoay quanh các vấn đề: lĩnh vực quản lý nhà nước như quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái. Đặc biệt là thực trạng sản xuất thua lỗ, kém hiệu quả do nông sản rớt giá, canh tác thiếu bền vững của các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu. Các vấn đề về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản; vấn đề nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp... 

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, đối với Đắk Lắk, Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính. Hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch. Trong thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện vấn đề này.  

Đồng thời, mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.

ảnh
Đại biểu đặt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: H.Gia

Những câu hỏi mà các nông dân nêu lên trong hội nghị đã được đại diện các bộ, ngành trả lời cụ thể. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN-PTNT là cơ quan trực tiếp quản lý phân bón, trong thời gian qua Bộ đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón… ở các địa phương và đến nay, cơ bản các hoạt động này đã đi vào quy củ.

Cũng trả lời vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xử phạt mạnh, có thể phạt tù những tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón, vật tư giả. Đối với vấn đề sản xuất, chế biến cà phê, Thủ tướng nhấn mạnh, cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam, giải pháp là phải có quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh tốt. Cà phê của Đắk Lắk phải giữ được thương hiệu "quý hơn vàng", do đó phải gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng cà phê Việt Nam. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản. Tuy nhiên, nông dân cũng cần nhìn nhận lại thực tế, để công nghiệp chế biến phát triển thì phải sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa…

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Đắk Lắk. Ảnh: H.Gia

Đối với vấn đề vay vốn sản xuất cà phê, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời: Trước đây ngành Ngân hàng và Bộ NN-PTNT đã phối hợp thông qua chương trình tái canh cà phê với gói vốn 12 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế chưa thực hiện được nhiều so với tiềm năng, lợi thế của cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Do đó, các địa phương cần phải tăng cường thực hiện công tác tái canh cà phê hiệu quả để nông dân được hưởng lợi từ gói vay ưu đãi này.

Sau buổi đối thoại này, những đề án, chính sách nào cả bộ, ngành còn nợ, chưa hoàn thành, phải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến và ban hành, làm sao để hội nghị đối thoại lần tới, tất cả các vấn đề được đặt ra tại hội nghị này phải cơ bản được giải quyết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: đây là lần thứ ba trên cương vị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện nông dân trong cả nước. Hội nghị đã lắng nghe và cùng trao đổi thẳng thắn, cởi mở với bà con nông dân về rất nhiều nội dung, chủ đề, từ các vấn đề lớn, mang tầm chiến lược, dài hạn của ngành Nông nghiệp, nông thôn đến các vấn đề về an sinh xã hội.

 

 

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho 29 nông dân tiêu tiểu của miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: H.Gia

Thủ tướng đề nghị, Bộ NN-PTNT bám sát nhiệm vụ chiến lược, kịp thời xây dựng những văn bản pháp luật, các chính sách liên quan đến việc quy hoạch, chuyển đổi, bố trí các cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên. Tiếp tục có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là việc xây dựng những nhà máy chế biến nông sản. Bộ Công thương cần thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các hiệp định thương mại tự do đến bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp để việc xuất khẩu nông sản được thuận lợi. Đối với các bộ, ngành khác, theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc mà bà con nông dân nêu ra tại buổi đối thoại này theo hướng ưu tiên vấn đề gì tháo gỡ được thì phải tháo gỡ ngay trên tinh thần cởi mở, minh bạch.

Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.