Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh

10:28, 02/12/2020

Theo Bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, do tác động của rìa nam lưỡi áp cao lạnh lục địa và nhiễu động gió đông hoạt động mạnh, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước tại trạm Giang Sơn tiếp tục lên và ở mức xấp xỉ dưới báo động II. Do đó, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt tại các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Krông Ana và các vùng lân cận. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.

ảnh
Ngập lụt ở xã Cư San (huyện M’Drắk)

Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt. Trong đó, cần tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt sâu, chia cắt để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn cử lực lượng chốt chặn không cho người dân qua lại các cầu, ngầm tràn, sông, suối khi bị ngập; nghiêm cấm các phương tiện phà, đò hoạt động trên sông, suối khi có mưa, lũ lớn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

ảnh
Đường giao thông tại Km53+400 Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk, huyện M’Drắk) bị sụt lún nghiêm trọng

Đối với các chủ đập hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa, nhất là các công trình đang bị hư hỏng, đang thi công, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu; bố trí đủ lực lượng trực tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, bảo đảm an toàn công trình và hạ du. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát các vùng hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, có nguy cơ ngập lụt nhằm kịp thời cảnh báo cho nhân dân biết tình hình lũ, ngập lụt để chủ động ứng phó; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng nước đến hồ và các bản tin dự báo để vận hành, điều tiết hồ chứa đúng quy trình đã được phê duyệt.

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức trực ban, chủ động ứng phó bão, mưa lũ đối với từng cơ quan, đơn vị.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.