Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2030, trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử

11:44, 14/04/2021

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2-4-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, về chính quyền số: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% trở lên hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; bước đầu hình thành đô thị thông minh tại TP. Buôn Ma Thuột. Về kinh tế số: phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500 - 1000 người. Về xã hội số: tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

a
Hệ thống giám sát an ninh cho thành phố thông minh của một doanh nghiệp tham gia triển lãm công nghệ tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 3-2021. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2030, phấn đấu 100% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Theo đó, có 8 lĩnh vực sẽ được ưu tiên chuyển đổi số gồm: nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistic, công nghiệp và năng lượng; tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính - ngân hàng. Trong quá trình triển khai thực hiện, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số ở cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; đồng thời, gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành…

Thúy Hồng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.