Multimedia Đọc Báo in

Thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp tổng kết HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021

21:27, 09/04/2021

Chiều 9-4, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp tổng kết HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Đồng chí Phạm Hát, Trưởng Ban Pháp chế chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã góp ý đối với báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; báo cáo tổng kết công tác của ngành KSND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; báo cáo tổng kết công tác của TAND hai cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Các đại biểu tham dự cuộc họp cơ bản thống nhất cao nội dung báo cáo được UBND tỉnh và các ngành trình tại cuộc họp; đồng thời đề nghị các đơn vị xây dựng báo cáo cần lưu ý làm rõ về nguyên nhân để đưa ra giải pháp cụ thể; chỉnh sửa từ ngữ, bố cục cho hợp lý hơn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Hiệp đóng góp ý kiến tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Hiệp đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Về nội dung báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 được Ban Pháp chế đánh giá cao khi bộ máy chính quyền địa phương các cấp được củng cố kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến; trong số 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh giai đoạn 2016-2021 đã có 15 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt… Tuy nhiên, các thành viên của Ban Pháp chế cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế như: còn chậm triển khai việc thi tuyển công chức cấp xã ở một số địa phương; việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn chưa chính xác, phù hợp; nhiều khuyết điểm trên các lĩnh vực nhưng chậm khắc phục; án hành chính tuy đã có chuyển biến song việc tổ chức thi hành án còn quá chậm; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số ngành, địa phương thực hiện còn chưa tốt…

Đối với báo cáo tổng kết công tác của ngành KSND tỉnh và TAND hai cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được Ban Pháp chế đánh giá cao kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua và phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong nhiệm kỳ qua, ngành KSND tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết 11.281 tin báo tố giác về tội phạm; cơ quan điều tra đã giải quyết 11.114 tin (đạt 98,5%); thực hành quyền công tố và và kiểm sát điều tra 7.303 vụ, 12.888 bị can các vụ án hình sự; kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.282 vụ án, 11.986 bị cáo và 2.328 vụ, 3.757 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm các vụ án hình sự… TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 61.996 vụ việc các loại; đã giải quyết 58.120 vụ việc (đạt tỷ lệ 93,7%); thụ lý 9.670 vụ với 18.190 bị cáo các vụ án hình sự, đã giải quyết, xét xử được 9.487 vụ với 17.767 bị cáo; đã thụ lý 784 vụ, giải quyết được 714 vụ án hành chính…

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Quang Tiến giải trình một số nội dung tại cuộc họp.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Quang Tiến giải trình một số nội dung tại cuộc họp.

Các thành viên của Ban Pháp chế cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành KSND và TAND như: số lượng án hủy, án sửa do nguyên nhân chủ quan còn nhiều; kết quả xử lý tin báo tố giác tội phạm của Viện KSND ở một số nơi, địa phương còn chưa kịp thời; cần phải có sự phối hợp giữa Viện KSND và TAND trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm thực thi các án hành chính; cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

Các ý kiến thảo luận của các đại biểu cũng như các đơn vị có báo cáo được thẩm tra tại cuộc họp sẽ được Ban Pháp chế tiếp thu để trình tại Kỳ họp tổng kết HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.