Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch COVID-19: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang kết hợp giữa phòng ngự và tấn công

19:17, 07/05/2021

Chiều 7-5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh H’Yim Kđoh; lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành hữu quan và các huyện, thị xã, thành phố.

Theo thông tin tại cuộc họp, từ ngày 27-4 đến sáng 7-5, cả nước ghi nhận 121 trường hợp mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Đồng Nai, Thanh Hóa.

Tại Đắk Lắk, từ ngày 27-4 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19, hiện đang cách ly y tế 206 trường hợp, trong đó có 18 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế và 188 trường hợp cách ly tại nhà và nơi cư trú.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam trao đổi về công tác phòng chống dịch trên cả nước. Theo đó, Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương trong công tác phòng chống dịch phải quán triệt 3 nguyên tắc lớn.

Thứ nhất là dù tình hình thay đổi thế nào thì những bước đi mang tính nguyên lý: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị là không thay đổi.

Thứ hai là bình thường mới, theo quy định 5K, đặc biệt là khẩu trang.

Thứ ba là phương châm 4 tại chỗ.

Tập trung thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, huy động toàn thể nhân dân tham gia cùng lực lượng chức năng phát hiện tất cả những trường hợp có dấu hiệu nhập cảnh trái phép, đồng thời kêu gọi nhân dân có người thân ở nước ngoài vận động người thân ở lại tại chỗ, nếu buộc phải về trong trường hợp thật cần thiết thì liên lạc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể; xử lý thật nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép.

Phó Thủ tướng cũng nêu lên một thực tế, quý I vừa qua, nước ta tiếp nhận gần 20 nghìn chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Số này cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 tại các khách sạn. Song kết quả kiểm tra mới đây cho thấy rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm túc quy định về cách ly tập trung. Hơn nữa, khi ra khỏi cơ sở cách ly về các khu công nghiệp làm việc vẫn nằm trong diện theo dõi y tế nhưng công tác này các địa phương vẫn đang còn lỏng lẻo. Đó là lỗ hổng rất lớn, do đó đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm vấn đề này. Đối với người ra khỏi khu cách ly là người Việt Nam, ngành Y tế phải bàn giao công dân cho địa phương, đến các tổ dân phố và kích hoạt lại tổ y tế trong cộng đồng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi y tế sau cách ly. Đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài, khi ra khỏi khu cách ly về làm việc phải thực hiện theo kế hoạch đăng ký ban đầu và doanh nghiệp tiếp nhận chuyên gia phải chịu trách nhiệm quản lý, giám sát họ.

Các tỉnh thành phố dự họp tại các điểm cầu (Ảnh chụp qua màn hình)
Các tỉnh thành phố dự họp tại các điểm cầu (Ảnh chụp qua camera)

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chú ý đến vấn đề xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong cộng đồng; có phương án đảm bảo công tác khám chữa bệnh, điều trị kịp thời cho nhân dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở y tế đang cách ly y tế; lắp camera giám sát tại các cơ sở cách ly dân sự, quân sự, cơ sở nào vi phạm sẽ kiến nghị xử lý nghiêm chính quyền nơi đó; xử phạt nghiêm đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng...

Tại cuộc họp, các địa phương là “điểm nóng” của đợt dịch COVID-19 lần này cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tình hình thực tế tại địa phương, các biện pháp phòng chống dịch phù hợp đã triển khai cũng như những vướng mắc tồn tại cần được tháo gỡ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức thực hiện và quản lý của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của nhân dân, đến thời điểm này, nước ta cơ bản kiểm soát dịch. Tuy nhiên, vừa qua dịch bùng phát lần thứ 4 xuất phát từ một số nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản đó là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, của các cấp chính quyền, cấp ủy, tổ chức đảng và của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh chụp qua camera)

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh, sáng suốt, đánh giá, nắm chắc tình hình, lựa chọn phương án để xử lý phù hợp, làm sao đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa ổn định tình hình, vừa chống dịch và khắc phục hậu quả tốt hơn.  

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của chính quyền, đặc biệt là phát huy sức mạnh của nhân dân để phòng chống dịch. Từ đợt dịch này, chúng ta sẽ chuyển trạng thái từ phòng ngự sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Trong đó, giải pháp tấn công sẽ là tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt 5K; phân cấp rõ ràng trách nhiệm của tỉnh, huyện, xã, thôn trong giám sát dịch. Mỗi người dân phải tự chịu trách nhiệm cho sức khỏe của chính mình.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải siết chặt và khắc phục ngay tình trạng xuất nhập cảnh và cư trú trái phép. Việc tiến hành giãn cách hay cách ly phải đúng thẩm quyền và quy định, không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá...

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.