Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII: Tán thành việc thu lệ phí, chi phí giải quyết việc người nước ngoài nhận nuôi con nuôi Việt Nam

09:55, 28/05/2010

Người nước ngoài nhận nuôi con nuôi và nhận nuôi con nuôi ở biên giới là hai vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nuôi con nuôi.
Vấn đề nuôi con nuôi ở nước ta cũng đã được pháp luật điều chỉnh từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được quy định thống nhất trong một văn bản pháp luật, mà quy định lồng ghép trong Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Luật Dân sự, Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác. Dự thảo Luật Nuôi con nuôi được trình ra Quốc hội lần này quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ của con nuôi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về nuôi con nuôi.

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng nên quy định chặt chẽ vấn đề người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam, không để kẽ hở để xảy ra nạn môi giới, mua bán trẻ em ra nước ngoài. Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều đồng ý với Điều 12 dự thảo Luật quy định người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam, ngoài chi phí trên còn phải trả 5 loại phí khác. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 32, Công ước La Hay năm 1993 về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế. Tuy nhiên, đối với Điều 39 của dự thảo Luật quy định trong thời hạn ba năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo sáu tháng một lần cho Bộ Tư pháp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi con nuôi cư trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng, có khá nhiều đại biểu cho rằng chưa hợp lý, quá dễ dãi, không an toàn cho trẻ em được gửi ra nước ngoài làm con nuôi, kẻ xấu có thể lợi dụng trẻ em phục vụ quyền lợi riêng của họ. Nếu người nước ngoài nhận trẻ sơ sinh, thì hết thời hạn 3 năm trẻ còn quá bé, chưa tự bảo vệ được mình, vì thế cần quy định phải thông báo tình hình cho đến khi trẻ tròn 16 tuổi. Ngoài việc thông tin còn phải có hình ảnh để chứng minh trẻ được nhận nuôi phát triển tốt.

 

A
 

Dự thảo Luật lần này được chỉnh lý theo hướng tiếp tục giao Chính phủ căn cứ vào các quy định của Luật và tình hình thực tế để quy định việc giải quyết nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới. Bởi vì, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là vấn đề phức tạp, liên quan đến một số nước có chung đường biên giới với nước ta, đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số của Việt Nam cũng như của các nước láng giềng. Vấn đề này đang được Luật hôn nhân và gia đình quy định giao Chính phủ hướng dẫn thi hành. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng đây là một vấn đề nhạy cảm,  hiện chưa có quy định nào về thủ tục đăng ký nuôi con nuôi ở biên giới nên các địa phương hết sức lúng túng, đa số do lực lượng biên phòng giải quyết. Chính phủ nên đàm phán thỏa thuận với các nước láng giềng trong việc người Việt Nam nhận trẻ em nước láng giềng và nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

 

 H.T (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.