Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII: Bộ Y tế chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm

10:34, 18/06/2010

Chiều qua (17-6), với 87,22% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật An toàn thực phẩm.
Về những hành vi bị cấm, dự thảo Luật đã chỉnh sửa bổ sung quy định: cấm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng; cấm lưu trữ, vận chuyển thực phẩm không an toàn, sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt; cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm. Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò chủ trì của Bộ Y tế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm,  đồng thời Bộ Y tế phải có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu về tác hại của các thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe của con người, trên cơ sở đó đề ra các chương trình, các chiến lược lâu dài để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, Luật đã chỉnh sửa nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Luật cũng quy định, giao Bộ Y tế quản lý khâu vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm (nhiều ý kiến cho là chưa hợp lý, vì đây là trách nhiệm của Bộ Công thương). Để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của công tác kiểm tra an toàn thực phẩm,  dự thảo Luật cũng quy định Đoàn kiểm tra có quyền quyết định xử lý vi phạm nhưng chỉ ở mức độ tạm đình chỉ việc bán hàng, tạm niêm phong hàng hóa, tạm dừng quảng cáo thực phẩm và đồng thời báo cáo cơ quan kiểm tra nhà nước để xử lý.

Ảnh minh họa (Ảnh: H.H)
Ảnh minh họa (Ảnh: H.H)
Về ghi nhãn thực phẩm, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định tất cả thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ chứa đựng, bao bì đóng gói thực phẩm đang lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác, đồng thời giao cơ quan chức năng xây dựng lộ trình phù hợp với chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm và hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng, pháp luật ghi nhãn của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng không quy định phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm. Nếu quy định tất cả thực phẩm lưu thông trên thị trường phải ghi nhãn thì khó bảo đảm tính khả thi.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo Luật quy định việc ghi nhãn thực phẩm được thực hiện theo pháp luật về nhãn hàng hóa, giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế- xã hội từng thời kỳ để quy định cụ thể. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ hồ sơ, thông tin về thực phẩm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Chiều cùng ngày, với 85,8% đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Trọng tài thương mại.
Trước đó, sáng qua, QH biểu quyết thông qua toàn văn 5 dự luật, bao gồm: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật và Luật Nuôi con nuôi.

                                                                             Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc