Multimedia Đọc Báo in

Những đóng góp to lớn của công tác Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam

09:04, 26/07/2010

Cách đây 80 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành. Tài liệu phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời. Hàng trăm cuộc biểu tình, mít tinh của quần chúng tham gia hưởng ứng kêu gọi nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8… Từ đó, ngày 1-8 đã trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Căn cứ vào đề nghị của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII đã chuẩn y lấy ngày 1-8 hằng năm là Ngày truyền thống công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng (nay là Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng).
Nhìn lại lịch sử 80 năm xây dựng, trưởng thành, chúng ta vô cùng tự hào về những đóng góp của Ngành Tuyên giáo của Đảng vào thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.
Trước hết, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, là người đã vạch ra đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, chuẩn bị tốt mọi mặt về tổ chức để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, họ đi sâu vào phong trào vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh, thông qua đó giác ngộ quần chúng, chuẩn bị điều kiện chín muồi để đi đến thành lập Đảng vào ngày 3-2-1930. Có thể nói rằng, Bác Hồ và những chiến sĩ Cộng sản đầu tiên cũng chính là những cán bộ tư tưởng đầu tiên của Đảng, đã quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, trực tiếp đi vào thực tiễn cách mạng để tổng kết và hình thành nên đường lối cách mạng, tổ chức huấn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, vận động cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã phát động hàng nghìn cuộc đấu tranh rộng khắp cả nước. Công tác tuyên giáo của Đảng đã kịp thời truyền đạt các nhận định và chủ trương của Đảng trước các diễn biến của thời cuộc trong nước và quốc tế, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào cách mạng sôi nổi. Với nhiều hình thức tuyên truyền, huấn luyện phong phú, linh hoạt, biết chớp lấy thời cơ để sử dụng các hình thức tuyên truyền hết sức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, bạo động chính trị, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù, huy động toàn dân tộc đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã minh chứng sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu. Thắng lợi này là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh, của đường lối độc lập, tự chủ đầy sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, đồng thời cũng là thành tựu vĩ đại của công tác tuyên giáo của Đảng trong việc giáo dục, tuyên truyền và vận động cách mạng, biến những tư tưởng lý luận thành phong trào, hành động cách mạng của quảng đại quần chúng đứng lên giành chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi áp bức thực dân, phong kiến.
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền giáo dục nhân dân thông suốt đường lối của Đảng, nêu cao lòng căm thù giặc, phát huy cao độ lòng yêu nước, xây dựng ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước, phê phán các quan điểm lệch lạc, bi quan, dao động, ngại hy sinh, gian khổ, ngại đánh lâu dài. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa non sông ta thu về một mối, đưa cả nước bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định vai trò to lớn của công tác tư tưởng – văn hóa. Trải qua hai cuộc chiến tranh, đặc biệt là trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa như giáo dục lý luận chính trị, báo chí xuất bản, tuyên truyền cổ động, văn hóa – văn nghệ… ở mỗi miền của đất nước đều được rèn luyện và trưởng thành, xứng đáng là lực lượng xung kích của Đảng góp phần quan trọng vào mỗi thắng lợi của dân tộc. Cùng với quân dân cả nước, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng, dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay ở vùng tự do, ở đồng bằng, thành phố hay ở rừng núi, trong nhà tù của địch hay trên mặt trận… tất cả đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, đã có hàng ngàn cán bộ tuyên giáo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở và cán bộ các trường Đảng, trường huấn luyện chính trị, cán bộ các cơ quan báo chí, phát thanh, thông tấn xã, các nhà văn, nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim, các đội viên đội thông tin lưu động, đội văn công, chiếu bóng, vv… đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ thiêng liêng mà cho đến nay chúng ta cũng chưa tập hợp được đẩy đủ danh sách những người cống hiến cao cả cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào trong giai đoạn cách mạng mới của dân tộc.
Đại hội VI của Đảng với đường lối đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước tiên là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội. Công tác tuyên giáo không chỉ góp phần vào việc hình thành và từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn mà còn đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy và thúc đẩy sự sáng tạo của mọi địa phương, mọi ngành, mọi người, tạo nên những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các mặt đời sống, xã hội. Thành quả của công cuộc đổi mới gắn liền với thành quả đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Công tác tư tưởng, lý luận gắn liền với tổng kết thực tiễn đã góp phần phát triển đường lối, xây dựng luận cứ khoa học cho những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, hình thành và làm rõ hơn các quan điểm đổi mới của Đảng trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm rõ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Phấn đấu vì sự nghiệp đổi mới đất nước, các binh chủng trên mặt trận tuyên giáo đều vươn lên mạnh mẽ và có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đại bộ phận đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng đều được đào tạo có hệ thống và trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, là lực lượng đáng tin cậy của Đảng và nhân dân. Điều kiện và các phương tiện hoạt động của công tác tuyên giáo có bước đổi mới theo kịp phong trào phát triển của xã hội.
Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Ngành Tuyên giáo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

(Còn nữa)

 


Ý kiến bạn đọc