Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hơn nữa hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

14:38, 30/07/2010

Nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo và bố trí cán bộ. Công tác này đã khẳng dịnh được vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị; tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục có những bước đổi mới để phát huy hơn nữa hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới…

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định phân công phân cấp quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, hằng năm Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo quy định, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, nguyện vọng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đảng viên trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2009, các đơn vị đào tạo như: Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố đã tổ chức mở được 544 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên theo các loại chương trình cho gần 70 nghìn học viên. Trong đó, Trường Chính trị tỉnh mở được 38 lớp, số lượng 4.047 học viên; Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố 506 lớp với 63.970 học viên.

Theo đánh giá chung các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình chuyên đề, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp nghiên cứu văn kiện và việc tổ chức thông tin những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cho cán bộ đảng viên ngày càng được quan tâm, đổi mới và bám sát tình hình. Các lớp được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng; công tác tổ chức quản lý lớp học được duy trì thường xuyên, chặt chẽ; các chế độ về học tập đối với học viên, giảng viên được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Một số trung tâm đã chú ý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, đổi mới phương pháp dạy và học nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên. Công tác đào tạo bồi dưỡng nhìn chung được quan tâm gắn với quy hoạch, bố trí sử dụng lao động, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng các chương trình, tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác từng bước được nâng lên, không ngừng rèn luyện giữ gìn đạo đức lối sống, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Lực lượng này đã trở thành nguồn nhân lực đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc với Đảng bộ tỉnh Dak Lak (10-8-2007) và đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc với Đảng bộ tỉnh Dak Lak (10-8-2007) và đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn bộc lộ những hạn chế, nhất là tư duy nghiên cứu lý luận thực tiễn; dự báo, dự đoán những vấn đề mới phát sinh; trình độ năng lực tổng hợp, phân tích chỉ đạo định hướng các hoạt động thực tiễn còn bất cập thụ động đã ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng nhiệm vụ công tác. Số lượng cán bộ đảng viên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trên thực tế chưa tương xứng yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ của thời kỳ đổi mới đất nước. Qua Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 54-QĐ/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, số liệu thống kê của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy: Từ năm 1999 đến 2009, ở khối Đảng, tỷ lệ cán bộ đảng viên công chức đã qua các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chiếm tỷ lệ còn thấp: trình độ cao cấp, cử nhân chiếm 32,35%; trình độ trung cấp 39,7%; trình độ sơ cấp chiếm 12%. Ở khối Mặt trận và đoàn thể, số cán bộ công chức có trình độ cao cấp, cử nhân là 27,78%; trình độ trung cấp 34%; trình độ sơ cấp 32%. Ở khối chính quyền, số cán bộ công chức có trình độ cao cấp, cử nhân chỉ chiếm 1,09%; trình độ trung cấp 3%. Việc thực hiện quy trình học tập ở một số chương trình, một số bậc học đôi lúc còn thiếu tính hệ thống, khoa học; việc tổ chức mở lớp còn mang tính đại trà, khó kiểm tra, kiểm soát. Khâu kiểm tra thu hoạch đôi khi chỉ tiến hành mang tính hình thức nên chất lượng học tập của không ít lớp học, khóa học không cao. Sự chủ động sáng tạo, cập nhật, đúc rút, vận dụng nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tiễn trong quá trình giảng dạy còn có những hạn chế; nội dung chương trình còn nặng tính lý luận. Cơ chế chính sách đối với người dạy, người học còn chưa phù hợp cơ sở vật chất trang thiết vị của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chuyên môn nghiệp vụ còn nghèo nàn, giản đơn. Việc lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ một số nơi còn chưa bám sát công tác quy hoạch cán bộ nên đào tạo thiếu toàn diện, có mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu trình độ lãnh đạo.

Đặc biệt vấn đề quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực, phương pháp giảng dạy nhất là củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị là một trong năm nhiệm vụ, giải pháp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt lên hàng đầu để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ngoài ra, việc đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch cán bộ của từng địa phương, từng ngành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải chú ý đến các mặt lý luận chính trị, văn hóa quản lý kinh tế, kỹ thuật nghiệp vụ…; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; có chế độ khuyến khích và bắt buộc đối với việc tự học, tự nghiên cứu cũng là giải pháp. 

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc