Multimedia Đọc Báo in

Bài học “Đại đoàn kết dân tộc” của Đảng tại Dak Lak trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

08:30, 19/09/2010

V.I Lênin đã nói: “Mỗi cuộc cách mạng chỉ có giá trị, khi nó biết tự bảo vệ lấy mình”. Từ thực tiễn lịch sử đó, ta thấy Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Dak Lak là một bộ phận của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, mà sự lãnh đạo của Đảng qua các đảng viên cộng sản trong Nhà tù Buôn Ma Thuột là nhân tố có ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Dak Lak.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định trong quá trình hoạt động cách mạng cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng ở Dak Lak những yếu tố chủ quan và khách quan cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi cũng đã dần dần chín muồi. Khác với các tỉnh ở Tây Nguyên, Dak Lak đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn tiền khởi nghĩa, đã có Mặt trận Việt Minh xây dựng được những cơ sở vững chắc và đã tạo được bước phát triển nhảy vọt của cuộc vận động giải phóng – Giai đoạn có vai trò trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tháng tám 1945 của tỉnh.

Dak Lak là một tỉnh có nhiều dân tộc Kinh – Êđê – M’nông – Giarai – Sêđăng; thị xã Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh. Ngược dòng lịch sử, xã hội Dak Lak trước đây, đơn vị có cơ sở là buôn, đại gia đình theo chế độ mẫu hệ, các gia đình trong buôn có quan hệ với nhau, hoặc về thân tộc, hoặc về thích tộc ở mức độ khác nhau làm cho quan hệ “cộng đồng buôn” được duy trì khá bền vững.
Với quá trình lịch sử, nhân dân Dak Lak cần cù, dũng cảm, đoàn kết đấu tranh với thiên nhiên đã sáng tạo nên một nền văn hóa với những nét độc đáo của mình tạo nên sắc thái mới vào vườn văn hóa chung của dân tộc.

Tuyên dương khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak lần thứ I-2010. (Ảnh: Phạm Huỳnh)
Tuyên dương khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak lần thứ I-2010. (Ảnh: Phạm Huỳnh)

Ngay từ những buổi đầu thực dân Pháp đặt chân đến Dak Lak đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào dân tộc ở đây. Chính những tên thực dân Pháp xâm lược cũng phải thú nhận: nếu họ bị bắt phải quy thuận thì họ cứ quy thuận, nhưng trong thâm tâm họ vẫn giữ tư tưởng vùng dậy khi có thời cơ. Nhân dân Dak Lak đã chiến đấu chống lại thực dân bằng bất cứ với thứ gì mình có trong tay, đến nay vẫn còn lưu truyền:
“Anh chị em ơi,
Phụ nữ đánh bằng chày giã gạo
Con trai cầm dao găm, cầm mác
Tất cả giơ lên như bông lau bông lách
Giết bằng được thằng Tây…”

Tại Dak Lak, năm 1900 Pháp chuyển tỉnh lỵ từ Buôn Đôn về Buôn Ma Thuột, chúng đã xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột để đày ải các chiến sĩ cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Canh gác nhà tù là một đội lính khố xanh người Êđê dưới quyền chỉ huy của một giám binh người Pháp. Toàn bộ nhà tù là sự tố cáo đanh thép chế độ tù đày của bọn thực dân, muốn nơi đây – một vùng đất đói nghèo rừng thiêng nước độc giết dần tù nhân, một nhà tù lớn nhất Đông Dương để đàn áp người yêu nước Việt Nam… Tuy nhiên, có áp bức có đấu tranh, những chiến sĩ cộng sản đã bí mật thành lập được chi bộ Đảng gồm 10 người. Việc chi bộ Đảng ra đời đã thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong tù, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng, hoàn chỉnh việc chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám sau này.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tại Dak Lak có một tiểu đoàn lính khố đỏ đã đầu hàng một trung đội lính Nhật. Tiểu đoàn lính khố xanh còn lại, chỉ huy là người Pháp bị Nhật bắt, viên đội Y Bih Alêô lên nắm quyền chỉ huy, tiểu đoàn này thành tiểu đoàn Bảo an binh… Nhìn chung, cơ sở cách mạng của Dak Lak thời kỳ này còn mỏng, Ban lãnh đạo tù nhân trong Nhà tù Buôn Ma Thuột vạch trần thủ đoạn lừa bịp của Nhật, tạo ra thời cơ thuận lợi trong cao trào kháng Nhật cứu nước, được sự hỗ trợ của quần chúng từ bên ngoài đã đấu tranh đòi Nhật thả tù chính trị. Các chiến sĩ cách mạng ra tù, tuyên truyền chủ trương của Đảng và của Mặt trận Việt Minh. Nhân dân Dak Lak khát khao có người dẫn đường cụ thể cho mình, đã hưởng ứng tổ chức các hoạt động hợp pháp như Hội đồng hương, Hội truyền bá quốc ngữ, gây ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh đến nhiều địa phương trong tỉnh; vận động thành lập các đảng bộ địa phương phát động phong trào quần chúng thực hiện chủ trương giành chính quyền trong cả nước. Các đồng chí Phan Kiệm, Nguyễn Trọng Ba tự nhận trách nhiệm đứng ra chỉ đạo chung để lãnh đạo phong trào Việt Minh toàn tỉnh. Tháng 4-1945, tại đồn điền Cađa, các tổ chức bí mật đã được thành lập và phát triển hội viên ở các vùng lân cận như buôn Pốc, buôn Ea Yông, buôn Păn…

Tóm lại, gần đến ngày khởi nghĩa phong trào công nhân đồn điền đã có những bước phát triển nhảy vọt liên kết chặt chẽ trong việc nổi dậy cướp chính quyền. Thời gian này, một số công chức người Êđê đang theo học Trường Y khoa Đông Dương cũng đã về liên lạc với tổ chức hăng hái tham gia hoạt động cách mạng.
…Ngày 20-8, chính quyền tay sai Nhật ở tỉnh đã bị tê liệt. Tổ chức quần chúng ở M’Drak, Buôn Hồ nổi dậy cướp súng địch tiến về thị xã Buôn Ma Thuột… Sáng 22-8, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp, báo cáo tình hình nổi dậy của quần chúng và thành lập Ủy ban Cách mạng đầu tiên của tỉnh, yêu cầu là bảo đảm sự đoàn kết giữa các dân tộc. Ủy ban nhân dân cách mạng ra đời đã thể hiện sự đoàn kết đó. Ủy ban gồm Chủ tịch Phạm Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch Y Blo, Thư ký Nguyễn Trọng Ba, Võ Tố, Ủy viên tuyên truyền Y Ngông Niê Kdam, Ủy viên kinh tế Huỳnh Bá Vân. Đồng chí Phan Kiệm, người tổ chức lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, chỉ xin nhận là ủy viên quân sự và làm công tác Đảng (thực tế là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Dak Lak) và chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến lâu dài, như thành lập lực lượng vũ trang chính của tỉnh là Tiểu đoàn bộ binh Nơ Trang Lơng, trên cơ sở tuyển chọn anh em cơ sở Việt Minh làm nòng cốt.
Như vậy Cách mạng Tháng Tám ở Dak Lak đã đập tan bộ máy thống trị của thực dân Pháp, từ thị xã đến buôn làng, đưa nhân dân lên làm chủ cuộc sống, cho thấy nổi lên một số vấn đề sau đây
-Ý chí chống Pháp kiên cường của nhân dân các dân tộc Dak Lak đã nhân lên thành sức mạnh gấp bội vào công cuộc vận động giải phóng trong hoàn cảnh mới. Tinh thần đoàn kết đó thông qua sự lãnh đạo của Đảng là đặc điểm sinh động trong cuộc vận động cách mạng giai đoạn này. Việc thực hiện đúng đắn chủ trương đường lối của Đảng trong công tác vận động quần chúng các dân tộc là một nét đặc sắc góp phần vào thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Dak Lak. Cuộc vận động này cho ta nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới hiện nay để nhân dân Dak Lak vững bước tiến lên trước mục tiêu xây dựng dân giàu nước mạnh. Cuộc vận động này chỉ có thể thành công nếu ta thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.

Nói lấy “Dân làm gốc” cũng xuất phát từ lòng tin của Đảng đối với quần chúng, như cây muốn xanh tốt thì gốc phải vững, ý Đảng lòng dân, cũng là xuất phát từ quan điểm xuyên suốt của Đảng: Đảng là người cầm lái, dân là người chèo thuyền, đoàn kết dân tộc là điểm sáng hiện nay và cả với mai sau.

Thiên Lương

(Nguyên Trưởng Ban Lịch sử Quân đoàn 3)


Ý kiến bạn đọc