Multimedia Đọc Báo in

Con đường để xây dựng chính quyền gần dân

18:21, 01/09/2010

Tất cả để xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đó là mục tiêu mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên một Cách mạng tháng Tám năm 1945 rạng ngời trong lịch sử. Đến hôm nay trong thời bình, mỗi địa phương đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân… ở nhiều lĩnh vực vẫn đang nỗ lực thực hiện, “hiến kế” để xây dựng chính quyền vì dân hơn.

Mấu chốt là xây dựng hình ảnh doanh nghiệp - Ông TRẦN VĂN DŨNG, Trưởng Phòng Kinh doanh – Công ty Điện lực Dak Lak

 

Lâu nay trong suy nghĩ của nhiều người, ngành Điện có tiếng là “độc quyền”. Cơ chế thị trường, “khách hàng là thượng đế”, trở thành phương châm hoạt động của tất cả các loại hình doanh nghiệp, không riêng gì các doanh nghiệp Nhà nước. Với phương châm ấy, Công ty Điện lực Dak Lak đang nỗ lực xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp coi đó là điểm mấu chốt tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh đồng thời để doanh nghiệp gần dân hơn, phục vụ người dân hiệu quả hơn. Bởi đơn giản khi đã gây dựng được uy tín thương hiệu tức là có được chỗ đứng trong lòng tin của người tiêu dùng. Có thể tưởng tượng doanh nghiệp – thị trường – người tiêu dùng như ba góc của một tam giác, dù đó là tam giác tù, đều hoặc cân thì bao giờ cũng có ít nhất một đỉnh nằm trên và khách hàng được Công ty đặt ở đỉnh cao nhất, vị trí ưu tiên nhất. Để thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng, ngoài việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, một bước đi mà Công ty đặc biệt quan tâm là đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Hơn 200 triệu đồng được doanh nghiệp đầu tư mở các lớp nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ. Đặc biệt liên kết với các trường đại học, đón đầu những sinh viên có kết quả học tập tốt để tiếp tục đào tạo nâng cao, tạo nguồn nhân lực có trình độ là hướng đi đang được doanh nghiệp thực hiện… Tất nhiên, nói vậy nhưng đây quả thực không phải là việc giản đơn, cần nỗ lực lớn, với những bước đi cụ thể và vững chắc.

Các ngân hàng luôn nỗ lực huy động vốn để cho vay vốn - Ông TĂNG HẢI CHÂU – Phó Giám đốc
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Dak Lak

 


Tại hầu hết các cuộc đối thoại, thuế và vốn là những vấn đề băn khoăn và thu hút sự quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp. Riêng về chuyện vốn, mới đây nhất tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2010, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các ngân hàng có hướng dẫn cũng như cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho họ vay vốn. Doanh nghiệp kiến nghị các cấp, các ngành của tỉnh cần tranh thủ sử dụng những nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời chính các ngân hàng cũng nên có phương án tiếp cận với các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả để có thể thêm kênh huy động vốn. Thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở huy động nguồn vốn vay. Có những lúc ngân hàng cũng không đáp ứng được nhu cầu vốn do gặp khó khăn nhưng đã rất nỗ lực, có thể minh chứng bằng con số, có thời điểm số vốn huy động chỉ được dưới 9.000 tỷ đồng nhưng khoản cho vay lên đến gần 25.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại luôn luôn xây dựng những chính sách riêng, hấp dẫn “hút” vốn nhàn rỗi của khách hàng để tăng thêm tiềm lực kinh tế, một phần quay trở lại phục vụ chính khách hàng. Thủ tục cho vay đều được các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần nhà nước công khai và có hướng dẫn cụ thể. Tất nhiên, khi tiếp cận với nguồn vốn vay, tài sản thế chấp của doanh nghiệp phải bảo đảm cho khoản vay trong trường hợp xảy ra rủi ro. Xin khẳng định lại, ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp nên nếu có những khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn, một trong những nguyên nhân có thể là do tài sản thế chấp chưa thuyết phục và cũng không loại trừ trường hợp ngân hàng cũng khát “vốn”.

Trước các kiến nghị của người dân, các cấp, ngành liên quan nên kịp thời nghiên cứu, tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý - NGUYỄN THỊ TOÁN, thôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak)

 

Thôn Đoàn Kết 2 có 197 hộ với trên 890 khẩu. Do điều kiện thổ nhưỡng, đất đai ở đây khắc nghiệt, việc đào giếng cũng khó khăn nên người dân thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt nhất là vào mùa khô. Đến năm 2005, thôn được đầu tư xây dựng một công trình cấp nước tập trung trị giá khoảng 650 triệu đồng. Từ khi công trình đi vào hoạt động, bà con trong thôn phấn khởi lắm vì không còn lo cảnh thiếu nước nữa. Để có thể đăng ký sử dụng nước sạch, mỗi hộ trong thôn phải đóng 2,5 triệu đồng, trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 1,6 triệu đồng, lãi suất 0,5%, trả trong 3 năm, số còn lại gia đình tự bỏ ra. Mặc dù số tiền đóng góp nhiều nhưng vì sự tiện lợi, bảo đảm sức khỏe nên 160 hộ dân trong thôn đã đăng ký đấu nối. Gia đình tôi không chỉ cần nước sinh hoạt mà còn chăm sóc đàn heo 40 con nên đăng ký sử dụng ngay từ đầu. Trong 3 năm đầu, nước cung cấp rất đều, tháng nào gia đình cũng đóng tiền nước đầy đủ. Nhưng từ năm 2008 đến nay, không hiểu vì lý do gì nước lúc có lúc không, hứng mấy tiếng đồng hồ mới được một xô. Các sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn hết vì sau khi đi làm đồng về mọi người lại phải thay nhau đi xin nước để nấu ăn, tắm giặt. Tưởng rằng sự việc đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng chờ mãi không thấy chuyển biến gì nên gia đình quyết định ngừng sử dụng nước ở công trình cấp nước tập trung và đầu tư hơn 7 triệu đồng khoan giếng. Không chỉ có gia đình tôi mà hơn 100 hộ trong thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Điều tôi boăn khoăn nhất là số tiền 1,6 triệu đồng mà các hộ trong thôn đang nợ ngân hàng. Đóng tiền để được sử dụng nước nhưng mới được vài năm đã không có nước nữa, đa số bà con đều phải vay mượn để khoan giếng nên chưa có điều kiện trả nợ. Từ sự việc cụ thể này, trước các kiến nghị của người dân, tôi mong các cấp, ngành liên quan nên kịp thời nghiên cứu, tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý.

Xã hội hóa hoạt động công chứng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân - Ông Trần Duy Phương, Trưởng Phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh)

 


Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Công chứng tiến tới xã hội hóa hoạt động công chứng, từ ngày 13-11-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3213/QĐ-UBND chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Pak cho các Phòng Công chứng số 1, số 2 và số 3 của tỉnh thực hiện. Đồng thời, ngày 7-5-2010, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-UBND về Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện tỉnh ta đã thành lập được 2 Văn phòng công chứng tư, trong đó 1 Văn phòng đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần giảm tải công việc cho các Phòng công chứng, từ đó giảm thiểu tối đa sự phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Hằng năm, các phòng công chứng trên đã chứng nhận hàng trăm hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế… bảo đảm tính xác thực và hợp pháp. Thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ, kể từ ngày 1-7-2007, công tác chứng thực bản sao từ sổ gốc, chữ ký đã được chuyển giao từ các Phòng Công chứng cho UBND cấp xã, phường, thị trấn và các Phòng Tư pháp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến chứng thực hồ sơ, giấy tờ, các Phòng công chứng, bộ phận một cửa ở các xã, phường đã niêm yết công khai về phí, lệ phí, các biểu mẫu, thủ tục quy trình giải quyết, thành phần hồ sơ, quy trình luân chuyển và thời gian giải quyết từng loại công việc. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả làm việc đúng nguyên tắc, hướng dẫn tận tình, niềm nở. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến về chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của người dân.

Đơn giản hóa thủ tục nhà đất để phục vụ tốt cho nhân dân - Ông HOÀNG XUÂN NGÂN, Trưởng phòng quản lý đất đai, Sở Tài nguyên-Môi trường

 

Thời gian qua, trình tự thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực quản lý đất đai được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, rõ ràng, công khai minh bạch và được niêm yết tại nơi tiếp nhận và trả kết quả; Sở cũng đã xem xét loại bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các TTHC rườm rà, không hợp lý; ủy quyền, phân cấp cho cấp huyện thực hiện… bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật tạo điều kiện thuân lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các TTHC. Cụ thể, đề nghị bãi bỏ thủ tục thẩm định về nhu cầu sử dụng đất trong trường hợp giao, cho thuê đất với các dự án đầu tư của các tổ chức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc không phải dự án có vốn đầu tư nước ngoài; đề nghị bỏ thủ tục kê khai lệ phí trước bạ nhà đất, kê khai tiền sử dụng đất, không phải nộp lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) ở đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; việc cấp giấy CNQSDĐ đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng được đề nghị bãi bỏ xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về nhu cầu sử dụng đất… Bên cạnh đó, theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 mẫu đơn, mẫu tờ khai của 12 TTHC; kiến nghị bãi bỏ 2 TTHC; thay thế 4 TTHC về lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất do Sở chủ động thực hiện đã rút ngắn còn 10 ngày; thời gian thẩm định hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được rút ngắn trung bình 5 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ hiện giải quyết trong 40 ngày (rút ngắn 10 ngày so với quy định). 

Cần có cơ chế vốn vay ưu đãi cho hộ kinh doanh nhà trọ -PHẠM THỊ HUYỀN, chủ hộ kinh doanh
nhà trọ, phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột

 

Gia đình tôi kinh doanh nhà trọ gần 10 năm nay, tất cả có 4 phòng, diện tích mỗi phòng trọ 20m2, cho thuê với giá 500.000 đồng/tháng/phòng. Nếu xét theo quy định về các tiêu chuẩn để được kinh doanh nhà trọ như: giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, đủ ánh sáng, bảo đảm an ninh, trật tự… là rất khó đáp ứng. Thực tế, không riêng gì gia đình tôi, mà hầu hết các chủ hộ kinh doanh phòng trọ vẫn còn thiếu sót “cái này, cái kia”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là hầu hết các chủ hộ kinh doanh không có hoặc thiếu vốn đầu tư xây dựng. Nếu hộ nào có tài sản thế chấp, có thể đi vay ở các ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Trong khi đó, một số hộ không có tài sản thế chấp, đành phải chấp nhận làm chui, làm qua loa. Thiết nghĩ, để nhà trọ thực sự là nơi sinh hoạt tốt nhất cho người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, người không có khả năng xây nhà… kính mong các cơ quan có thẩm quyền và các ngân hàng có cơ chế về vốn vay ưu đãi cho những chủ hộ kinh doanh loại hình này. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để chủ hộ được phép xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng khi chủ hộ đó bảo đảm các tiêu chuẩn quy định về phòng trọ và cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.         

Các thủ tục hành chính, không nhất thiết phải cứng nhắc - Ông PHẠM TÂN, Chủ tịch UBND phường
Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột

 


Mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực... ở nước ta, đã và đang từng bước được hoàn thiện. Thế nhưng, ở một số địa phương, đơn vị, thủ tục hành chính vẫn là “vật cản” đối với người dân sở tại. Theo tôi, một trong những yếu tố cần thiết đối với cán bộ chuyên môn làm việc liên quan đến các thủ tục hành chính là phải nắm rõ luật. Từ đó, mới giải thích cặn kẽ, hướng dẫn chặt chẽ từng nội dung cho người dân hiểu rõ.
Bên cạnh đó, có những thủ tục cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo luật quy định, nhưng cũng có những loại thủ tục không nhất thiết phải cứng nhắc. Chẳng hạn, khi bố mẹ đến phường làm giấy khai sinh cho con trong trường hợp cả 2 vợ chồng đều có hộ khẩu thường trú ở địa phương khác, thì phường sẽ căn cứ vào sổ tạm trú để làm thủ tục cho họ. Cũng tùy thuộc vào từng loại giấy tờ, văn bản và các đối tượng cụ thể chẳng hạn như: học sinh, sinh viên làm thủ tục nhập học, quân nhân nhập ngũ… mà cán bộ chuyên môn linh hoạt rút ngắn thời gian của các loại thủ tục liên quan. Khi chính quyền địa phương không cứng nhắc trong quá trình làm thủ tục sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sinh sống và làm việc, đồng thời xóa đi khoảng cách giữa cán bộ chuyên môn và người trực tiếp làm các thủ tục tại địa phương.

Cải cách hành chính phải gắn sát với tiện lợi của người dân - Ông NGUYỄN HUỲNH – Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên

 

Theo tôi cải cách hành chính của doanh nghiệp cần gắn sát với tình hình, đặc điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và với tình hình thị trường. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có những đặc trưng riêng do phải phụ thuộc vào nguồn hàng trên thế giới và là mặt hàng thiết yếu khá nhạy cảm với đời sống xã hội nên chúng tôi phải căn cứ vào đó để giải quyết hai vấn đề cơ bản nhất: Một là, thực hiện đầy đủ các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình quản lý kinh tế. Hai là, đáp ứng nhanh nhất, đầy đủ bảo đảm chất lượng, số lượng và tiện lợi nhất đối với người tiêu dùng.
Từ năm 2009 tới nay Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên đã rà soát hết lại toàn bộ từ khâu bán lẻ, bán buôn, tới hoạt động của các cửa hàng, văn phòng công ty, chi nhánh và các đơn vị trong phạm vi trên địa bàn hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông; xem xét cải tiến tất cả các vấn đề liên quan và đưa vào quy trình hoạt động gắn với hai tiêu chí cơ bản trên. Từ tháng 8 tới tháng 12-2008 chúng tôi đã xây dựng, tổ chức triển khai quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 – 2000 và được cấp giấy chứng nhận, chúng tôi triển khai hệ thống này trên cơ sở khoa học và hướng về khách hàng, bỏ đi những thủ tục rườm rà, xây dựng đội ngũ nhân viên đáp ứng được năng lực, thực hiện quy trình. Tới tháng 10-2010, tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000 sẽ hết hạn và chúng tôi đang tiếp tục cải tiến để có thể đáp ứng và đạt tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008 vào tháng 9-2010.

“Luôn lắng nghe và phân tích cho người dân hiểu”  - Ông ĐINH VĂN LONG, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông

 


Mô hình “một cửa” được thị trấn Krông Kmar triển khai vào cuối năm 2004. Đội ngũ cán bộ phần lớn được đào tạo tới bậc Trung cấp chuyên nghiệp và bảo đảm mỗi người phụ trách “một cửa”. Trong quá trình thực hiện, công chức của thị trấn luôn tăng cường xuống cơ sở, thông qua những buổi sinh hoạt để nắm được tâm tư, tình cảm của người dân. Khi tiếp dân, cán bộ “một cửa” luôn lắng nghe những ý kiến của người dân từ cơ sở, giải thích những điều mà họ chưa rõ, kiến nghị những đề đạt của họ lên các cấp ban ngành để giải quyết thấu đáo, bởi chỉ khi nào người dân nghe được, hiểu được, khi ấy người cán bộ mới thực sự là cầu nối với người dân ngay tại địa bàn của mình quản lý. Theo đó lực lượng này bước đầu đã đáp ứng được việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ, từng bước đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Đến nay, tại thị trấn hầu như không có tình trạng người dân than phiền, phản ánh lên cấp ủy, chính quyền cấp thị trấn và kể cả trong các đợt tiếp xúc cử tri về thái độ sách nhiễu của đội ngũ cán bộ cấp xã đối với người dân trong quá trình giao dịch thực hiện các dịch vụ hành chính công.
Để không ngừng kiện toàn hoạt động của các tổ “một cửa”, sắp tới thị trấn sẽ tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, cử những người chuyên trách đi học thêm bậc đại học tại chức, phấn đấu tới năm 2013, 100% cán bộ thị trấn sẽ đạt trình độ đại học. Ngoài ra, thị trấn cũng sắp xếp tạo điều kiện cử nhân viên đi học tất cả các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính  - Bà NGUYỄN THỊ TƯỜNG VI, Tổ 38, khối 5, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột

 

Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cải cách đáng ghi nhận trong lĩnh vực hành chính công, nhưng nếu những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng nhiều hơn thì thủ tục hành chính sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tôi đang làm thủ tục đăng ký kết hôn, một trong những thủ tục đơn giản nhất nhưng tôi đã phải mất gần 1 ngày mới cầm được tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của mình. Quãng thời gian ấy chỉ dùng để chạy đi chạy lại giữa địa phương tôi cư trú là phường Thành Nhất và nơi người chồng của tôi ở là xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) để xác nhận tình trạng độc thân của hai người. Cũng may là hai nơi này không quá cách xa nhau nhưng nếu hai người ở khác huyện hoặc khác tỉnh thì sẽ mất nhiều thời gian đến nhường nào. Trong khi đó, các địa phương hoàn toàn có thể kết nối thông qua mạng Internet để trao đổi thông tin với nhau. Một vấn đề nữa là những người trực tiếp làm công việc này. Về thái độ làm việc thì không có gì đáng bàn nhưng trình độ nghiệp vụ, cụ thể là trình độ về tin học văn phòng của họ thì quả là đáng ngại. Tôi phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ chỉ để chờ họ nhập những thông tin cần thiết vào máy tính của họ. Theo tôi, nếu chúng ta tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ nghiệp vụ thì công việc hành chính sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều.

 

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc