Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, phấn đấu xây dựng tỉnh Dak Lak phát triển toàn diện, vững chắc, xứng đáng là trung tâm kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên

15:10, 01/09/2010

Cách đây vừa tròn 65 năm (19-8-1945), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Cách mạng Tháng Tám thành công và việc thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi vào lịch sử dân tộc ta như một trang vàng chói lọi, là thắng lợi của khát vọng tự do, độc lập, của tinh thần tự chủ, sáng tạo, của sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động giữa Đảng với nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, tự làm chủ vận mệnh của mình; nước ta không những trở thành một nước độc lập, tự do mà còn trở thành một trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng chế độ xã hội mới – chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc, báo hiệu một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cho chúng ta bài học quý giá, đó là: Xây dựng một Đảng Mác – Lênin vững mạnh về tư tưởng, có đường lối cách mạng đúng đắn, có tổ chức Đảng trong sạch, ăn sâu bám rễ trong quần chúng; Nắm vững nguyên tắc giành, giữ và bảo vệ chính quyền, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng hợp lý, đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân; Nhận thức và nắm bắt được thời cơ, đề ra đường lối và chính sách chính xác, kịp thời; Xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại.

Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành hành trang, thành động lực thúc đẩy toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, 20 năm gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là hành trang và động lực cổ vũ nhân dân ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đồng bào các dân tộc Dak Lak trong ngày hội lớn. (Ảnh: Quang Trung)
Đồng bào các dân tộc Dak Lak trong ngày hội lớn. (Ảnh: Quang Trung)

Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giải phóng quê hương, khí thế, tinh thần Cách mạng Tháng Tám đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở Dak Lak. Mùa thu năm 1945, từ buôn làng đến thành thị, đâu đâu cũng sôi sục khí thế khởi nghĩa. Với khí thế cách mạng hào hùng của cả dân tộc, nhân dân các dân tộc Dak Lak đã vùng lên đấu tranh, xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền của nhân dân lao động.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các dân tộc Dak Lak đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của cùng cả nước đứng lên chống kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước. Chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột 10-3-1975, giải phóng tỉnh Dak Lak, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là trang sử hào hùng và ghi vào lịch sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Sau 35 năm giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Dak Lak đã làm nên nhiều thành tựu rất đáng tự hào, phấn khởi, nhất là sau gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Năm 2005-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,1%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm và tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng dần. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay tỉnh đã bảo đảm an ninh lương thực và có lương thực dự trữ, đến năm 2010 ước đạt 1 triệu. Các ngành dịch vụ, thương mại đã có chuyển biến tích cực, thích ứng nền kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng. Thu cân đối ngân sách địa bàn tăng nhanh, bình quân đạt 22,94%/năm, tỷ lệ huy động vào GDP đạt 10,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.
Các hoạt động giáo dục, khoa học-công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện các chính sách xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số… trong những năm qua rất được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị-xã hội có chuyển biến tích cực, hướng mạnh hơn về cơ sở. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chuyển biến tốt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng nâng lên; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới ngày càng được tăng cường củng cố. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Chặng đường 65 năm qua, nhất là trong 25 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển của cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng. Khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy được truyền thống quật cường của dân tộc, đặc biệt phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những thuận lợi cơ bản và đan xen cả những khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hết sức nặng nề. Trước mắt, nhiệm vụ chính trị to lớn là hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội X của đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần phải tiếp tục vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử vào sự nghiệp xây dựng quê hương hôm nay. Trước hết, phải xây dựng tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, Kiên quyết đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tốt nhất mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách toàn diện, vững chắc. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đề cao cảnh giác chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phấn đấu xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của vùng Tây Nguyên, góp phần cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong thời kỳ CNH-HĐH.

 

Lê Xuân Hảo (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.