Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 tăng không quá 7%
10:00, 09/11/2010
Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã được đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển tổng quát trong năm 2011 là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu phát triển cụ thể: về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010; nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 7%. Về xã hội, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người là 19 m2... Về môi trường, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 86%; 82% chất thải rắn y tế được xử lý; 83% chất thải rắn ở đô thị được thu gom; độ che phủ rừng đạt 40%…
Để đạt được kế hoạch, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính; trong đó, đáng chú ý, trong nhóm các giải pháp quản lý kinh tế, Quốc hội yêu cầu áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn gắn với đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu; tăng tính ổn định các cân đối lớn, như cân đối cung cầu hàng hóa gắn với định hướng tiêu dùng, cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư; cân đối ngoại tệ quốc gia, thu chi ngân sách... Áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công và ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; từng bước giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP, đồng thời với việc áp dụng quyết liệt các biện pháp chống thất thu. Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước; bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội và mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng đầu tư…
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc