Multimedia Đọc Báo in

Ký ức nước Nga

05:47, 08/11/2010

Nước Nga xa xôi nhưng cũng thật gần gũi trong tâm thức của những người đã từng có thời gian học tập, lao động và sinh sống tại đây. Với họ, nhớ về đất nước Nga và Liên Xô trước đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, mang trong mình khối di sản văn hóa khổng lồ, kiêu hãnh mà còn đầy ắp tình người.

Khoa học cơ bản của Nga tuyệt vời

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên luôn khắc ghi những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Nga.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên luôn khắc ghi những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Nga.

“Tôi đã đến nhiều nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới và thấy: Khoa học cơ bản của Nga không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Chẳng những thế, các thầy cô giáo, những người làm công tác nghiên cứu khoa học của xứ sở Bạch Dương có phương pháp sư phạm rất độc đáo (tỉ mỉ, cặn kẽ, tận tâm) nhằm truyền thụ kiến thức cho học sinh, nhờ đó đã giúp chúng tôi hình thành phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học thực sự”, Giáo sư, Tiến sĩ Y học Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chia sẻ. Giáo sư còn cho biết, thập niên 80 của thế kỷ 20, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có số người mắc và tử vong cao vì dịch hạch. Trước tình hình đó, ông và một số đồng nghiệp đã được Bộ Y tế cử sang Viện Nghiên cứu và Phòng chống dịch hạch Trung Á-Alma Ata (Cộng hòa Kazactan, Liên bang Xô Viết cũ) học tập, nghiên cứu về phòng, chống dịch hạch. Trong thời gian học tập tại Viện, ông đã được giảng viên cũng như nhân dân Nga quan tâm, giúp đỡ tận tình.

Với những kiến thức được học tập ở Nga, cộng với sự hỗ trợ đắc lực của các cộng sự, Giáo sư, Tiến sĩ  Đặng Tuấn Đạt đã triển khai hữu hiệu các biện pháp phòng, chống dịch hạch. Năm 2003, Việt Nam chính thức công bố khống chế thành công dịch hạch ở người và năm 2005, không còn dịch xảy ra ở quần thể động vật gặm nhấm (quần thể vật chủ lưu giữ mầm bệnh). Kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử trên 110 năm chiến đấu với căn bệnh dịch hạch của nền y tế Việt Nam. Đặc biệt, đối với khu vực Tây Nguyên đã về sớm trước 2 năm khi đạt mục tiêu do Bộ Y tế đề ra là xóa bệnh dịch hạch trên người, góp phần thực hiện tốt chủ trương nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 1989, lần thứ 2, ông được cử đi học tập tại Khoa Truyền nhiễm Đại học Y số 2, Moskva. Cũng như lần trước, trong 4 năm học tập (1989-1991), các Giáo sư của trường giảng dạy, hướng dẫn rất tận tình; đồng thời giúp tìm kiếm những tài liệu có giá trị khoa học cao để nghiên cứu. Những năm sau này, Giáo sư, Tiến sĩ  Đạt còn nhiều lần sang Nga để tham dự các hội thảo khoa học và thường xuyên giữ mối liên hệ với các thầy cô tại hai nơi đã từng học tập. Cùng với những nhà nghiên cứu khoa học trong nước, Giáo sư, Tiến sĩ Y học Đặng Tuấn Đạt đã trả lời với thế giới “ở Việt Nam không có ổ dịch thiên nhiên về dịch hạch”. Câu trả lời này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phòng, chống và đẩy lùi dịch hạch, một bệnh nguy hiểm lây truyền nhanh và gây tử vong cao ở người. Đặc biệt, ông cùng với các cộng sự thường xuyên hợp tác với tổ chức khoa học quốc tế và nước ngoài nghiên cứu thành công nhiều công trình khoa học và được viết bằng 2 ngôn ngữ Việt, Nga như: “Dịch hạch-nguồn gốc và quá trình tiến hóa của hệ thống dịch động vật” và “Sinh thái học và những khía cạnh dịch tễ học động vật dịch hạch ở Việt Nam”.

Người Nga thật đôn hậu

Năm 1987, chị Mai Thị Thanh (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cùng 39 người từ nhiều địa phương trong tỉnh tạm biệt quê hương đến với nước Nga theo con đường lao động hợp tác. Cùng với 10 lao động của TP. Hồ Chí Minh, các chị được ghép thành một đội và bố trí làm tại một xí nghiệp may gia công, cách thủ đô Moskva chừng 300 km. “Lần đầu tiên đặt chân đến Nga, nhìn những bông tuyết trắng li ti rơi trên đại lộ, hàng dương, vướng vào ô cửa kính ai cũng hồ hởi reo hò. Nhưng cảm giác ấy chợt tan biến mau, thay vào cái lạnh thấu xương tủy, nhiều chị em trong đội đã chảy cả máu mũi và có chị đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà, chồng, con”, chị Thanh bồi hồi  nhớ lại.

Chị Thanh (thứ 2 từ phải sang) cùng những công nhân đi lao động hợp tác tại Nga. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Thanh (thứ 2 từ phải sang) cùng những công nhân đi lao động hợp tác tại Nga. (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Sự thay đổi về thời tiết, khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ nhanh chóng qua đi, các chị bắt nhịp với công việc, bởi mỗi  thành viên đều xác định rõ mục tiêu khi đi lao động hợp tác. Không chỉ làm việc cho xí nghiệp, những ngày nghỉ, các chị còn tranh thủ buôn bán, may gia công quần áo bán cho các chợ đầu mối để kiếm thêm thu nhập, mua các mặt hàng gia dụng gửi về cho gia đình. Không tránh khỏi những va vấp, bỡ ngỡ trên đất bạn, các chị đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của người Nga. Chính tình cảm đôn hậu, chân thật của nhân dân Nga dành cho lao động Việt Nam đã xua tan cái lạnh, giúp các chị vơi đi nỗi nhớ nhà và quyết tâm thực hiện hoài bão, khát khao của tuổi trẻ “Phải làm giàu cho mình và cho đất nước”. Chị Mai Thanh cho biết, nhân dân Nga rất ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, với họ phụ nữ Việt Nam rất anh dũng, khéo léo, nhanh nhẹn, có ý thức chấp hành kỷ luật tốt.

Trong 4 năm lao động tại Liên Xô trước đây (1987-1991), chị Thanh và các anh chị em khác đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng người bản xứ. Một câu thăm hỏi lúc ốm đau, hướng dẫn khi bị lạc đường, khuân đồ đạc giúp khi lỡ chuyến tàu hay chỉ là một cân táo, một cốc sữa nóng trong một buổi sáng mùa đông giá lạnh…đã làm ấm lòng, giúp các chị sống vui trong những năm tháng lao động hợp tác. Những kỷ niệm ngọt ngào này, luôn được các chị nhắc lại mỗi khi có dịp gặp nhau.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.