Ký ức về Bác Hồ của người cựu chiến binh Trung đoàn 120 Tây Nguyên
Đã bước sang tuổi 85 nhưng ông Rơ Ô Y’Đô (tên thường gọi là Ama Men), dân tộc J’rai, ở buôn Khanh, xã Cư Pui (Krông Bông), cựu chiến binh Trung đoàn 120 Tây Nguyên vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Ông Rơ Ô Y’Đô sinh năm 1926 tại xã Ia Mlá, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ông tham gia cách mạng từ năm 1947, năm 1953 gia nhập Trung đoàn 120, năm 1954 tập kết ra Bắc đóng quân ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) rồi Nghệ An. Những năm tháng tham gia cách mạng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời Rơ Ô Y’Đô. Ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm từ khi ông tham gia vào đội thanh niên Cứu quốc năm 1947, gia nhập Trung đoàn 120 Tây Nguyên, những chặng đường tập kết ra Bắc, Ông vẫn còn nhớ từng tên xã, tên huyện ở Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa nơi trước kia từng đóng quân, các trận đánh ở chiến trường Lào và những trận đánh Fulrô sau khi trở lại Tây Nguyên năm 1961 như thể mới vừa xảy ra ít lâu.
Nâng niu những tấm huân chương. |
Song, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần Rơ Ô Y’Đô được gặp Bác Hồ. Lần đó, trên bãi cát gần bến tàu thủy, Bác đã đến thăm các chiến sĩ Trung đoàn 120. Ông nhớ lại: “Bác rất quan tâm đến những người con dân tộc Tây Nguyên, Bác hỏi:
- Đêm ngủ ở đây có lạnh hơn ở Tây Nguyên của các cháu không?
- Các cháu ăn có no không?
- Các cháu hút thuốc lá nhiều lắm phải không? Các cháu có đủ áo ấm mặc không?...
Ở dưới đồng loạt đồng thanh: “Có ạ, vâng ạ...”!
Bác lại hỏi:
- Các cháu có nhớ nhà không?
Lúc ấy một số anh chị em văn công ngồi ở phía trước sợ Bác lo nên trả lời: “Thưa Bác không ạ”! Bác liền nghiêm khắc phê bình:
Các cháu nói như vậy là không đúng, các cháu ai cũng có gia đình, ai cũng có quê hương của mình, nơi chôn rau, cắt rốn, nơi có ông bà, cha mẹ và những người thân đang sinh sống sao mà không nhớ được, song vì đất nước ta đang bị giặc xâm chiếm nên các cháu phải xa gia đình, các cháu cố nén nỗi nhớ để hoàn thành nhiệm vụ của mình, ai trình độ văn hóa còn thấp hoặc chưa biết chữ thì đi học văn hóa, ai có trình độ văn hóa thì đi học sĩ quan, học y sỹ, y tá để sau này làm công tác cứu thương cho bộ đội và công tác lâu dài trong quân đội...”.
Lời Bác dạy mãi khắc ghi trong đầu Rơ Ô Y’Đô. Sau đó, ông đã đi học lớp y tá và đến năm 1959 ông cùng một số chiến sĩ Trung đoàn 120 xung phong sang nước bạn Lào làm công tác cứu thương. Năm 1961, ông quay trở về Tây Nguyên, công tác ở Tỉnh đội Dak Lak và đã đi rất nhiều nơi làm công tác cứu thương, tham gia nhiều trận đánh và đào tạo y tá. Tại bệnh xá B2 (thuộc huyện H9), ông đã cùng với những đồng nghiệp đào tạo được nhiều lớp y tá ở các địa phương, trong đó có người vợ của ông bây giờ – bà H’Đim Niê. Năm 1964, tại khu căn cứ H9, ông Rơ Ô Y’Đô vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Ông đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, Nhì; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...
Ý kiến bạn đọc