Multimedia Đọc Báo in

Ngắn gọn, hàm súc – một nét đặc sắc trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch

09:16, 24/12/2010

Cách đây 62 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mục đích: “Diệt giặc đói/ Diệt giặc dốt/ Diệt giặc ngoại xâm”. Người cũng chỉ rõ cách tổ chức thực hiện thi đua là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để mưu cầu “Hạnh phúc cho dân”. Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo; lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.

Nét đặc sắc trong phong cách nghị luận của Bác ở tác phẩm này là: tính ngắn gọn – ngắn gọn cả nội dung và hình thức thể hiện trong toàn bài và trong từng câu chữ.

Bạn đọc dễ nhận ra bài viết của Bác với nhiều dòng ngắn. Nhiều dòng chỉ có từ 3 đến 5 từ.

Lần theo từng luận điểm của bài viết từ mục đích, cách làm đến kết quả thi đua, chúng ta thấy Bác nêu mục đích của thi đua có 3 dòng, mỗi dòng có 3 đến 4 từ (Diệt giặc đói/ Diệt giặc dốt/ Diệt giặc ngoại xâm); cách làm thi đua có 2 dòng, mỗi dòng có 4 từ (Lực lượng của dân/ Tinh thần của dân); thi đua yêu nước là bổn phận của người dân Việt Nam có 3 dòng, mỗi dòng có 3 từ (Làm cho mau/ Làm cho tốt/ Làm cho nhiều); khẩu hiệu thi đua yêu nước có 2 dòng, mỗi dòng có 4 từ (Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến); kết quả cuối cùng của thi đua ái quốc có 3 dòng, mỗi dòng có 4 từ (Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc).

Nếu phần đầu của bài viết với các luận điểm nêu trên, Bác viết câu ngắn thì phần sau của bài viết với lời kêu gọi tha thiết, Bác viết câu dài. Điều đặc sắc về văn phong nghị luận của Bác trong bài này chính là đây.

Bác Hồ tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958. (Ảnh: T.L)
Bác Hồ tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (tỉnh Hải Hưng) năm 1958. (Ảnh: T.L)


Như nhiều người đã biết, sinh thời Bác dạy những người làm công tác tuyên truyền, những người viết văn, viết báo khi nói hoặc viết phải tự đặt ra và trả lời 4 câu hỏi: Nói (viết) về cái gì? Để làm gì? Để cho ai? Từ đó định ra cách nói và viết thích hợp: “Nói (viết) như thế nào?”.

Bác còn dạy những người tuyên truyền, vận động quần chúng nói và viết sao cho người nghe, người đọc dễ hiểu, dễ nhớ để từ đó dễ thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Nhớ lại năm 1948, năm Bác viết lời kêu gọi này, toàn dân tộc phải gồng mình chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thời gian là tài sản vô cùng quý báu. Vì vậy, Bác viết ngắn gọn mà hàm súc; các luận điểm về mục đích thi đua, phương pháp vận động thi đua, kết quả cuối cùng của thi đua… như những câu vè 3 chữ, 5 chữ quen thuộc với hầu hết người dân để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Kết quả cuối cùng của thi đua ái quốc nhằm đạt được “Ba chủ nghĩa” của nhà đại cách mạng Tôn Văn (Tôn Trung Sơn) cũng quen thuộc với nhân dân từ những hoạt động tuyên truyền yêu nước của cụ Phan Bội Châu (1867-1940) và tổ chức “Việt Nam Quốc dân đảng” trước đó.

Đó là hiệu quả tuyên truyền bằng nghệ thuật viết ngắn ở phần đầu Lời kêu gọi. Đọc phần sau Lời kêu gọi, chúng ta xúc động khi gặp câu Bác viết: “Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin…”. “Tôi xin”, cách nói vừa khiêm nhường vừa tha thiết của Bác gợi chúng ta nhớ lại cách đấy ba năm, vào ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã đưa Bác đến với toàn dân tộc. Lãnh tụ và quần chúng hòa quyện vào nhau trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác định ra mục tiêu thi đua phù hợp với từng ngành nghề, từng lứa tuổi… Ở đoạn này, câu văn dài để đủ sức chứa nhiều nội dung thông báo (ví dụ: “Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn” có hai nội dung: học hành và giúp việc người lớn), giọng văn vừa tha thiết vừa tin tưởng vào công cuộc thi đua yêu nước, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã thôi thúc bao thế hệ người Việt Nam ra sức cống hiến sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Thế hệ thanh niên ngày nay với các phong trào thi đua tình nguyện đang tiếp bước thế hệ sinh thành ra họ trong các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại phong”, “Cờ Ba nhất”, “Hai tốt”… theo lời kêu gọi của Bác kính yêu cách đây hơn 60 năm.

 

Trương Tử Kỳ

 


Ý kiến bạn đọc