Multimedia Đọc Báo in

Lịch sử Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ (Tiếp theo và hết)

08:59, 21/02/2011

Thời kỳ từ năm 1980 đến năm 1992
Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1980; theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội khóa VII (1981-1987) được bầu ngày 26-4-1981, có 496 đại biểu. Quốc hội bầu Hội đồng Nhà nước do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Sau đó, Quốc hội đã bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Quốc hội và 9 Phó Chủ tịch Quốc hội; bầu Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế - kế hoạch và ngân sách, Ủy ban Văn hóa và giáo dục, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật, Ủy ban Y tế và xã hội, Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và Ủy ban Đối ngoại.

Quốc hội khóa VIII (1987-1992) được bầu ra ngày 19-4-1987 là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội bầu đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội, 5 Phó Chủ tịch Quốc hội; thành lập Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách; Ủy ban Văn hóa và giáo dục; Ủy ban Khoa học và kỹ thuật; Ủy ban Y tế và xã hội; Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng và Ủy ban Đối ngoại. Tại kỳ họp thứ 5, tháng 6-1989, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch, gồm 27 thành viên để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước CHXHCN Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 1992.

Thời kỳ từ năm 1992 đến nay
Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 và đã trải qua gần ba nhiệm kỳ hoạt động. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội bầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và lần đầu tiên quy định “mỗi Ủy ban có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách”.

Quốc hội khóa IX (1992-1997) được bầu ngày 19-7-1992, có 395 đại biểu và nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm. Quốc hội IX bầu đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch và 9 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội còn thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và ngân sách; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy ban Quốc phòng an ninh (QPAN) và Ủy ban Đối ngoại, trong đó, Ủy ban QPAN của Quốc hội lần đầu tiên được thành lập. Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước như hằng năm, xem xét và thông qua các nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước; phân bổ ngân sách nhà nước; các vấn đề cơ bản về đối nội và đối ngoại...

Quốc hội khóa X (1997-2002) được bầu ngày 20-7-1997, gồm 450 đại biểu. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 14 thành viên, gồm Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, 5 phó chủ tịch Quốc hội và 8 ủy viên. Tại kỳ họp thứ 9 từ ngày 22-5 đến ngày 29-6-2001, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội thay đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và ngân sách; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban QPAN và Ủy ban Đối ngoại. Hoạt động giám sát tại các kỳ họp đã được đổi mới, theo đó, nội dung giám sát ngày càng phong phú, được thảo luận dân chủ hơn. Thời gian dành cho việc xem xét các báo cáo cũng được bố trí thỏa đáng hơn. Các phiên chất vấn đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Quốc hội khóa XI (2002-2007) được bầu ngày 19-5-2002 là khóa Quốc hội đầu tiên trong thiên niên kỷ mới; có 498 đại biểu trúng cử với số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,73%, cao nhất từ trước đến nay. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại kỳ họp thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc hội (sau đó từ kỳ họp thứ 9, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội) 3 Phó Chủ tịch Quốc hội và 9 thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban QPAN và Ủy ban Đối ngoại.

Các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII. (Ảnh: T.L)
Các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII. (Ảnh: T.L)

Quốc hội khóa XII (2007-2011) được bầu vào ngày 20-5-2007. Tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 99,64% (56.252.543 người); có 493 đại biểu trúng cử; đại biểu ngoài Đảng là 43 người, chiếm 8,72%; đại biểu có bằng đại học và trên đại học là 473 người, chiếm 95,94%. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và 13 thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban: Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tài chính và ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban QPAN; Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Kinh tế. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội xuống còn 4 năm để phù hợp với các cuộc bầu cử của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như Đại hội Đảng lần thứ XI; bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp đã được đổi mới, theo đó, nội dung chất vấn ngày càng phong phú, thực chất và được thảo luận dân chủ hơn.

 

Vĩnh Linh

 


Ý kiến bạn đọc