Multimedia Đọc Báo in

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam (2001-2010)

08:29, 07/03/2011

Thực hiện Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Việt Nam 2001 – 2010, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 1 (2002 – 2005) với mục tiêu tổng quát: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với 6 mục tiêu và 23 chỉ tiêu cụ thể. Kết quả triển khai của giai đoạn này đã có 16/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 5/23 chỉ tiêu đạt trên 90%, còn 2 chỉ tiêu đạt được 85%.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của giai đoạn 1, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động VSTBPN giai đoạn 2 (2006 – 2010) với 5 mục tiêu gồm: thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm nhằm nâng cao địa vị kinh tế và cải thiện đời sống cho phụ nữ; thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục và tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là chị em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; cải thiện và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ; nâng cao vai trò, vị trí và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Những mục tiêu này được cụ thể hóa bằng 27 chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện.

Qua 10 năm thực hiện với hai giai đoạn như trên, Chiến lược Quốc gia VSTBPN Việt Nam trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong 10 năm, đã có 45% lao động nữ được tuyển dụng, giải quyết việc làm mới (104.200 nữ/231.500 lao động tuyển dụng). Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 3% (năm 2001 là 4,45%) và tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ ở khu vực nông thôn đạt 87,84% (kế hoạch là 80%). Ngoài ra, hộ nghèo do nữ làm chủ hộ đều được vay vốn để phát triển sản xuất với 65.481 lượt hộ được vay với mức vay từ 4,7 triệu đồng/hộ năm 2001 và tăng lên 9,6 triệu đồng/hộ năm 2010 (đạt 100% kế hoạch). Trong thời kỳ 2006 - 2010, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng đều tăng ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là nữ trong thời kỳ 2005 - 2010 là 12,2%; cấp huyện và tương đương là 12,5%; cấp ủy cơ sở là 15,2%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp tương đối cao với 25% cấp tỉnh, 21,65% cấp huyện, thị xã, thành phố và 17,48% cấp xã, phường. Đặc biệt, tỷ lệ đảng viên nữ trong tổng số kết nạp mới đều tăng dần qua các năm, đến năm 2010 đã đạt 39,3%, vượt 9,3% so với kế hoạch.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã có 6.520 nữ ở độ tuổi 15 - 35 được xóa mù chữ; 81/212 cán bộ nữ được đào tạo trên đại học; 1.092 nữ/4.108 người được bồi dưỡng kiến thức về chính trị, chiếm 26,5% kế hoạch; tỷ lệ học viên nữ ở các cơ sở dạy nghề của tỉnh là 31.840 nữ/79.598 người, đạt 40% theo kế hoạch.

Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam gặp mặt, giao lưu với các hội viên tiêu biểu Hội LHPN tỉnh. (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam gặp mặt, giao lưu với các hội viên tiêu biểu Hội LHPN tỉnh. (Ảnh: Nguyễn Xuân)


Trong lĩnh vực y tế, việc chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ ngày càng được quan tâm, nhất là đối với nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phụ nữ mang thai được khám sức khỏe đủ 3 lần trở lên đạt 92%, từ đó giúp tỷ lệ tử vong ở bà mẹ sau sinh giảm xuống; 95% ca sinh đẻ có nhân viên y tế chăm sóc, 95% trạm y tế có nữ hộ sinh (hoặc y sĩ sản nhi). Theo số liệu ngành y tế, tuổi thọ trung bình của phụ nữ năm 2001 là 64,5 tuổi, năm 2005 là 68 tuổi và đến năm 2010 đã đạt là 73 tuổi.

Đặc biệt, ở giai đoạn 2 của Chiến lược, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức cho hơn 1.700 cán bộ lãnh đạo từ cấp trưởng, phó phòng từ cấp huyện trở lên, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường THPT, THCS; Giám đốc, Phó giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế tỉnh, huyện và lãnh đạo UBND, HĐND, huyện ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; hơn 400 cán bộ, chiến sĩ ngành công an; 120 cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện; 760 cán bộ là lãnh đạo xã, phường, thị trấn được huấn luyện về kỹ năng hoạt động, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó nhận thức và trách nhiệm của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành được nâng lên và công tác tiến bộ phụ nữ đã ghi nhận rộng khắp các sở, ngành và toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chiến lược quốc gia VSTBPN của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm mới tuy có tăng nhưng chủ yếu ở lĩnh vực có chuyên môn kỹ thuật thấp, thu nhập thấp và công việc không ổn định; cơ hội học tập của trẻ em gái và phụ nữ tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, việc xóa mù chữ, tạo điều kiện cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết chữ phổ thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ bà mẹ mắc và chết do 5 bệnh tai biến sản khoa vẫn chưa giảm, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ sau sinh còn cao. Công tác giáo dục sức khỏe sinh sản chưa sâu rộng đến các đối tượng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên chưa thay đổi được ý thức và hành vi của các bà mẹ trong chăm sóc trước, trong và sau sinh.

Điều đáng nói nữa là, tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn thấp, đa số nữ giữ cương vị cấp phó ngay cả những lĩnh vực như ngành giáo dục đào tạo và y tế có tỷ lệ nữ công chức cao (y tế 59,65%; giáo dục 75,66%)*. Nữ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, thị xã, thành phố và cơ quan sở ban ngành cấp tỉnh có xu hướng giảm. Công tác quy hoạch tạo nguồn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu nguồn cán bộ nữ để bổ sung cho nhiều vị trí lãnh đạo. Tình hình tội phạm xâm hại liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái còn diễn biến phức tạp, không giảm, bạo lực gia đình với nhiều hình thức vẫn còn tồn tại nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tư vấn về pháp lý giúp phụ nữ, em gái tiếp cận và sử dụng các công cụ pháp lý trước các hành vi bạo hành, ngược đãi, ép hôn, tảo hôn tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời. Việc lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc can thiệp bổ sung chính sách liên quan. Số liệu thống kê tách biệt về giới chưa được quan tâm chú ý gây trở ngại trong việc xây dựng chính sách, cơ chế đối với công tác tiến bộ phụ nữ. Mặt khác, tổ chức bộ máy Ban VSTBPN cấp tỉnh, huyện đều kiêm nhiệm, luôn biến động cũng gây khó khăn trong việc thực hiện Chiến lược.

 

Võ Thị Ngọc Vân
 
--------------
(*) Theo số liệu của Ban VSTBPN tỉnh  phối hợp UBQGVSTBPN VN khảo sát vào thời điểm tháng 7-2007

 


Ý kiến bạn đọc