Bác Hồ và mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam
Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên - Quốc hội lập hiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - đã trở thành một mốc son lịch sử về thể chế dân chủ của Việt Nam.
Ngay sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nêu rõ, dưới chế độ chuyên chế của thực dân và phong kiến "nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái, từ mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...". Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, thấy một số người tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ không có kết quả, do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp, Bác Hồ với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, đã khẳng định: “Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công”.
Bác Hồ bỏ phiếu |
Ngày 5-1-1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Vì thế mà "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".
Vượt lên muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, cũng như giặc đói, giặc dốt...là di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp như nước Việt Nam ta hồi bấy giờ.
Đ.T
Ý kiến bạn đọc