Hội nghị “Phát triển kinh tế Tây Nguyên góp phần bảo đảm an ninh”:
Khai thác, phát triển có hiệu quả tiềm năng lợi thế vùng để hội nhập và góp phần bảo đảm an ninh
Ngày 23-9, UBND tỉnh Dak Lak phối hợp Văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức Hội nghị “Phát triển kinh tế Tây Nguyên góp phần bảo đảm an ninh”. Hội nghị có sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Cục An ninh Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, đại diện lãnh đạo các sở ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Dak Lak.
Hội nghị tập trung nghiên cứu, bàn thảo về những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên góp phần bảo đảm an ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế (HNQT).
Tây Nguyên hội đủ các yếu tố cho sự chuyển mình mạnh mẽ |
Tây Nguyên được xem là khu vực đặc biệt cả về địa lý, văn hoá chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh HNQT, theo đánh giá chung Tây Nguyên đã hội đủ các yếu tố cần thiết cho một sự chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên dù tích cực, chủ động, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những tác động của HNQT đối với khu vực này cũng cho thấy nhiều vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, để khai thác, phát triển có hiệu quả tiềm năng lợi thế vùng, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Trước hết đó là việc mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của địa phương. Có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp với nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, các loại rau quả nhiệt đới, Tây Nguyên được mệnh danh là thủ phủ cà phê, đồng thời là một trong những điểm sản xuất cao su lớn nhất của Việt Nam và thế giới. Dựa trên lợi thế này, Tây Nguyên hoàn toàn có thể đẩy mạnh sản xuất chế biến các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Trên thực tế những năm qua cùng với các địa phương khác trong cả nước, các sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên đã được xuất đi nhiều nước. Nhưng giá trị hàng hóa vẫn chưa xứng với tiềm năng do chất lượng sản phẩm chưa ổn định và đồng đều, lại chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô với phương thức xuất khẩu gián tiếp, khâu chế biến sản phẩm còn nhiều hạn chế dẫn đến việc hàng xuất khẩu thường bị định giá thấp. Vị thế chiến lược về kinh tế chính trị với tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp nuôi trồng và công nghiệp khai khoáng là cơ sở để thu hút đầu tư vào vùng đất này. Song Tây Nguyên vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, tốc độ phát triển chưa xứng với tiềm năng. Giải pháp được đưa ra để tăng cường thu hút vốn FDI, sớm đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của đất nước là ưu tiên hàng đầu cho đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ, kiện toàn bộ máy hoạt động xúc tiến đầu tư. Về nâng cao sức cạnh tranh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn còn ở mức thấp so với các địa phương khác. Dak Lak là tỉnh có PCI cao nhất trong 4 tỉnh còn lại thì năm 2008, PCI cũng chỉ đứng thứ 33/64 và năm 2010 tụt xuống 38/64. Điều đó phần nào cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Tây Nguyên chưa được hấp dẫn, năng động; trình độ quản lý cũng như năng lực sản xuất chế biến, công tác xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập |
Đối với Dak Lak, để triển khai Nghị quyết số 16 của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động với các mục tiêu: chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nhanh hàm lượng công nghệ trong sản xuất; tích cực chủ động và tạo đột phá trong hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Dak Lak thành thủ phủ cà phê khu vực và thế giới; tăng nhanh vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tạo bước chuyển biến toàn diện và sâu sắc trong cải cách hành chính; củng cố quốc phòng an ninh giữ vững môi trường hòa bình ổn định chính trị xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại… Sau 4 năm Việt Nam gia nhập WTO, cùng với cả nước Dak Lak đã đạt được những kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 tăng 12,2% so với năm 2009; thu ngân sách đạt 2.910 tỷ đồng tăng 10% dự toán Trung ương giao. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cải cách hành chính và công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực; quốc phòng an ninh được giữ vững tạo môi trường thuận lợi, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc