Multimedia Đọc Báo in

Hiến pháp 1946 - dấu ấn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền

03:47, 28/11/2011

Ngày 9-1-1946, tại kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa I, Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã được thông qua với tuyệt đại đa số phiếu tán thành (240/242 phiếu thuận).

Ra đời cách đây đã 65 năm nhưng đến nay Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị về nhiều mặt. Đánh giá về Hiến pháp 1946, nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu  của nước ta đều thống nhất nhận định “đây là bản Hiến pháp có rất nhiều giá trị”.

Điều nổi bật trong bản Hiến pháp đầu tiên đó là khẳng định tư tưởng nhà nước pháp quyền, khẳng định quyền tự do, quyền làm chủ đất nước của toàn dân, ở đó “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân” (TS luật Phạm Duy Nghĩa). Đây chính là sự thể hiện rõ nét tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này đã được hình thành ở Người từ rất sớm. Ngay từ năm 1919, khi gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xay (Versailles), trong tám điều yêu sách, điều thứ bảy yêu cầu phải có Hiến pháp cho nhân dân Việt Nam. Sau này trong “Việt Nam yêu cầu ca” (diễn ca của Bản yêu sách do Hồ Chí Minh soạn để tuyên truyền) khẳng định rõ điều đó: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Chính vì vậy, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ".

TS Nguyễn Sỹ Dũng (hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng: “Nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ thì Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó”.

Hiện nay, Nhà nước ta đang chỉ đạo tiến hành tổng kết Hiến pháp 1992 để có cơ sở cho việc sửa đổi Hiến pháp vào thời gian sắp tới. Hy vọng rằng, với tinh thần học tập tư tưởng của Bác, những tinh hoa trong bản Hiến pháp đầu tiên đã được khẳng định qua những biến thiên của lịch sử sẽ được tiếp tục kế thừa và phát huy. Trong đó, đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa là tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và dân chủ.

Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc