Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2012
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, QH sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung như: xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan.
QH cũng sẽ xem xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của QH; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại kỳ họp thứ 4, QH sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của QH, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của QH; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.
QH cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH và đại biểu QH trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ QH.
Tiếp đó, khi thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi (BHTG), đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật BHTG nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động BHTG, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về BHTG. Việc ban hành Luật BHTG sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số ý kiến khác đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia BHTG đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và các khoản quỹ hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hộ gia đình...
Ý kiến bạn đọc