Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về tư tưởng hội nhập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

18:18, 06/11/2011

Tháng 6-1994, Việt Nam chính thức đệ đơn lên GATT- tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - và được GATT chấp nhận là quan sát viên. Tiếp đó, sau hơn 10 năm đàm phán, vào ngày 7-11-2006, Việt Nam đã gia nhập tổ chức này. Ngày 11-1-2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của nền kinh tế nước ta. Đó cũng là kết quả của chính sách “Việt Nam làm bạn với tất cả các nước” của Đảng, Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập và hợp tác quốc tế được khởi xướng từ ngày lập nước.

Có thể nói, quan điểm đưa đất nước bước vào quá trình hội nhập quốc  tế đã sớm hình thành trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, Người đã trăn trở về vấn đề này. Tháng 8-1919, trên báo L’Humanité, Người viết: “... Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường” (Hồ Chí Minh toàn tập-tập 1). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Giữa thời kỳ khó khăn trứng nước, thế mà Người vẫn luôn có suy nghĩ là làm thế nào để đưa nước ta bước vào quá trình hội nhập thông qua các hình thức hợp tác quốc tế để khai thác tốt nhất mọi giá trị nguồn lực của nhân loại nhằm làm giàu và tăng cường sức mạnh cho dân tộc, giữ vững quyền độc lập tự do, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ J.Biếcnơ ngày 1-11-1945, Người đã đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trước hết trong lĩnh vực văn hóa, mặc dù hai nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Người đề nghị “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác” (Hồ Chí Minh toàn tập-tập 4). Vào ngày 14-1-1946, Người đã gửi điện tới người đứng đầu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ cùng các Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp quốc đề nghị đưa vấn đề Việt Nam ra trước Hội đồng Liên hiệp quốc công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Hội đồng Liên hiệp quốc. Cũng trong thời gian này, trả lời phóng viên báo Le Monde, Người nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng có nhiều điều nhân nhượng, nhất là về mặt kinh tế. Điều chúng tôi muốn có: Các nhà giáo thì được, thầy tu thì không; là cộng tác viên, học trò thì được, là nô lệ thì không; giáo sư, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư chúng tôi cần có nhiều. Không cần các viên quan cai trị nữa” (Danh nhân Hồ Chí Minh). Đó là những quan điểm đáng quý. Quan điểm đó của Người khẳng định rằng, Việt Nam mong muốn có quan hệ hợp tác song phương, hiểu biết lẫn nhau và cả hai bên đều có lợi, chứ không phải là xiềng xích và nô lệ. Và ngay trong thời điểm đó, sau cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuyt Mutê, Người đã có cuộc gặp với phóng viên báo Franc-Tireur và khẳng định : “… Chúng tôi cần đến nước Pháp trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế … để làm cho nước Việt Nam phồn vinh” (Danh nhân Hồ Chí Minh). Có thể thấy, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Người luôn có ý định và sẵn sàng mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Trung Quốc, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Theo Người, trong điều kiện đất nước còn nghèo thì hội nhập, hợp tác quốc tế, sự giúp đỡ của các nước là một nguồn vốn quý cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ nhầm lẫn giữa những giá trị văn minh của nhân loại với những xấu xa của chủ nghĩa tư bản thực dân. Người nhận thức rõ rằng, mọi thành tựu của khoa học kỹ thuật, mọi nguồn lực kinh tế, văn hóa đã được tạo ra đều là tài sản chung của văn minh nhân loại. Đây cũng chính là quan điểm mà Người đã thể hiện trong một bức thư gửi cho tổ chức Liên hiệp quốc vào tháng 12-1946. Trong thư, Người thể hiện rất rõ tinh thần mong muốn được hợp tác với tất cả các nước rằng: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam giành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc…” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4). Với Người và trong tư tưởng thường trực ở Người thì “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ thân thiện hợp tác với bất kỳ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 8); “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà” Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5). Tuy nhiên, trong tư tưởng của Người, việc mở cửa hội nhập không chỉ nhằm vào mục đích nhận sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế, mà thông qua sự giúp đỡ đó cộng với chính nội lực tự sinh của mình mà đưa đất nước vươn mình đứng dậy và đỉnh đạc “bước ra biển lớn”, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách để đưa nước Việt Nam trở thành một đất nước có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”…   

 

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo ánh sáng ngọn đuốc tư tưởng lớn của Người, đất nước ta đã và đang dần bước vào tiến trình hội nhập một cách tự tin và đầy bản lĩnh. Đặc biệt, sau 5 năm gia nhập WTO, nền kinh tế nước ta đã và đang thu hút sự đầu tư của nước ngoài ngày càng nhiều; hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu ngày càng tăng. Đây chính là những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta phát triển; cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Viết Chính
---------------------
TLTK: Hồ Chí Minh toàn tập (nhiều tập); Danh nhân Hồ Chí Minh-NXB Lao động, HN-2000.

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.