Sau 1 năm Nghị quyết 11 của Chính phủ đi vào cuộc sống: Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm
Nghị quyết 11/NQ-CP do Chính phủ ban hành đến nay đã được 1 năm. Nhìn lại những nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết để thấy những kết quả đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục thực hiện tốt hơn, cả về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 24-2-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ- CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong 1 năm qua, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu) cũng như những khó khăn nội tại chưa thể khắc phục một sớm, một chiều. Trong bối cảnh ấy, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đưa tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ thành các chương trình sản xuất, kinh doanh cụ thể và đã đạt được một số kết quả rất đáng trân trọng.
Lạm phát đã dần được kiềm chế. Nếu bình quân 7 tháng đầu năm 2011 CPI tăng 1,9%, thì 5 tháng cuối năm tăng chưa đến 0,61%/tháng. CPI tháng 1-2012 là tháng có Tết Nguyên đán – nhưng chỉ tăng 1%, thuộc loại thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Lạm phát được kiềm chế, nền kinh tế cả nước vượt qua khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng 6% năm 2011. Ảnh minh họa |
Tính chung 6 tháng (từ tháng 8-2011 đến nay), CPI tăng bình quân 0,67%/tháng, thấp hơn nhiều so với 7 tháng đầu năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất tiết kiệm 1,17%/tháng, đưa lãi suất tiết kiệm từ chỗ bị thực âm lớn chuyển sang thực dương. Tỷ giá VND/USD đã giảm liên tục 4 tháng từ tháng 4 và tăng thấp từ sau đó đến nay (từ tháng 4-2011 đến tháng 1-2012, giá USD giảm 0,13%). Quan trọng hơn, áp lực tâm lý lạm phát đã giảm, lòng tin đối với đồng nội tệ đã tăng trở lại. Đây cũng là tín hiệu khả quan để năm 2012 có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI dưới 10%, thậm chí có thể còn thấp hơn nữa.
Lạm phát được kiềm chế do việc chỉ đạo thực hiện của Chính phủ là quyết liệt, kiên trì, nhất quán; bên cạnh đó là có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia…Bên cạnh đó, còn là do sản xuất nông nghiệp được mùa lớn, sản lượng nhiều loại cây, con đạt kỷ lục từ trước tới nay, tăng cao so với năm trước, nhất là lương thực, nên tháng Tết nhưng giá lương thực giảm – một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều Tết trước. Mặt khác, nhiều địa phương, nhất là những trung tâm tiêu thụ lớn, đã dự trữ và cung ứng một số mặt hàng bình ổn giá; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế tuy tăng 5,7%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì giảm 9,4%; tỷ lệ vốn đầu tư/GDP từ 41,9% năm 2010 giảm mạnh xuống còn 34,6% năm 2011, trong đó có việc cắt giảm và điều chuyển 81,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước. Đáng lưu ý, hiệu quả đầu tư có khá hơn năm trước, khi hệ số ICOR đã giảm từ 6,2 lần năm 2010, xuống còn 5,9 lần năm 2011.
Kinh tế vĩ mô bước đầu được ổn định và có mặt được cải thiện. Điều quan trọng là cơ cấu tín dụng đã bước đầu tập trung hơn cho nông nghiệp, nông thôn, hàng xuất khẩu công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến tháng 1-2012 đã thấp hơn thời điểm tháng trước (19,3% so với 23%).
Các chương trình bình ổn giá đã tạo hiệu ứng lớn trong xã hội. Ảnh minh họa |
Điểm sáng nhất là cán cân thanh toán đã được cải thiện: nếu năm 2009, 2010 bị thâm hụt lớn, thì năm 2011 có số dư khá. Kết quả trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam khá, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện, vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam...
Một nội dung quan trọng khác của nền kinh tế vĩ mô là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP đã giảm xuống so với kế hoạch và so với năm trước (4,9% so với 5,3% và so với 5,6%). Kết quả trên đạt được do thu ngân sách đã và tăng cao hơn chi ngân sách, cả khi so với dự toán và so với năm trước.
Bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng đã đạt kết quả tích cực. Điều này càng có ý nghĩa khi việc thực hiện mục tiêu trên trong điều kiện lạm phát cao, phải áp dụng các biện pháp kiềm chế cùng với những hệ luỵ của nó là rất khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm an sinh xã hội.
Trong điều kiện doanh nghiệp, làng nghề gặp khó khăn do lãi suất vay cao, tiêu thụ trong nước co lại, tồn kho lớn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải ngừng hoạt động, bị phá sản, tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm trước (5,89% so với 6,78%), số người đến tuổi lao động đông, lực lượng lao động trong tuổi tăng, tạo sức ép về công ăn việc làm, với sự nỗ lực của người lao động, của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nước. Khu vực nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết công ăn việc làm cho số lao động bị mất hoặc thiếu việc làm ở các doanh nghiệp, làng nghề; sau Tết Nguyên đán, khu vực doanh nghiệp, làng nghề đã nỗ lực thu hút trở lại số lao động mất việc làm, thiếu việc làm và lao động mới.
Nhà nước luôn quan tâm đến các chương trình việc làm cho người lao động. Ảnh minh họa |
Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xây dựng và giảm nghèo trong năm 2011, theo báo cáo của 63 địa phương, đạt 3.213 tỷ đồng (gồm 1.269 tỷ hỗ trợ các đối tượng chính sách, 988 tỷ hỗ trợ các hộ nghèo, 956 tỷ cứu đói, cứu trợ xã hội khác); trong dịp Tết, các địa phương đã chi thêm 1.800 tỷ đồng; đã hỗ trợ các hộ thiếu đói hơn 10.000 tấn lương thực và 22,4 tỷ đồng. Chính phủ đã xuất 22.400 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói đột xuất cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2012...
Nguồn VGPNews
Ý kiến bạn đọc