Multimedia Đọc Báo in

Từ quyền con người đến các quyền cơ bản của công dân

08:58, 12/02/2012

Quyền con người là thành tựu chung của cả loài người, là kết tinh của nền văn minh nhân loại, được hình thành và phát triển cùng với xã hội loài người. Quyền con người vừa là sản phẩm tự nhiên vừa là sản phẩm của xã hội. Mỗi thời đại, mỗi quốc gia, quyền con người được ghi nhận và bảo đảm thực hiện ở những mức độ khác nhau. Điều cần lưu ý là cùng với quyền, bao giờ cũng phải gắn với nghĩa vụ, “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” (điều 51, Hiến pháp 1992). Khi thực hiện quyền của mình, mọi người đều có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của người khác, của cộng đồng và rộng ra là của toàn xã hội. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10-12-1948 là văn kiện đầu tiên của bộ luật quốc tế về quyền con người. Mục tiêu của Tuyên ngôn là làm cho mỗi quốc gia, dân tộc tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền con người.

Theo luật pháp quốc tế cũng như luật pháp trong nước thì quyền con người bao gồm các quyền cơ bản như: quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, quyền được tự do đi lại và cư trú, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt... Quyền con người và quyền công dân là hai khái niệm tuy thống nhất nhưng không đồng nhất nếu xét về chủ thể, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nó.

Ở nước ta, các quyền cơ bản của con người cũng đã được khẳng định và thể hiện ở các quyền cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp và nhiều đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bầu cử, Luật Quốc tịch, Luật Cư trú, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Hiến pháp 1946 đã có hẳn một chương quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Điều đặc biệt là các quyền cơ bản của con người đều đã được ghi nhận tương đối đầy đủ ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước. Các quyền cơ bản đó ngày càng được thể hiện rõ nét, hoàn thiện dần trong các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992.

Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/NQ10 của Quốc hội ngày 25-12-2001) đã có một điều nói về quyền con người với nội dung khẳng định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (điều 50).

Có thể khẳng định các quyền cơ bản của con người đã được quy định tương đối đầy đủ, rõ nét  trong hệ thống pháp luật của nước ta. Tuy vậy vẫn còn nhiều quy định mang tính cương lĩnh, tuyên ngôn, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trong thực tế cuộc sống.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”. Với định hướng đó, hy vọng quyền con người, quyền cơ bản của công dân sẽ được hoàn thiện hơn trong lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc