Multimedia Đọc Báo in

Các bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak

10:43, 16/07/2012

 

(Tiếp theo và hết)

VI. BỘ TƯ PHÁP

1.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Hiện nay, Luật Nuôi con nuôi đã có hiệu lực thi hành, tuy nhiên hệ thống các loại sổ, biểu mẫu… vẫn thực hiện theo các quy định trước đây. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm ban hành các loại sổ, biểu mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Trả lời:

Ngày 27-6-2011, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BTP về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi, trong đó ban hành 26 loại biểu mẫu và 1 loại Sổ đăng ký nuôi con nuôi. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2011.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng biểu mẫu về nuôi con nuôi có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo địa chỉ: http://moj.gov.vn/huongdannv/Lists/TaiLieuNghiepVu/view_- Detail.aspx?ItemId=393 để in và sử dụng miễn phí (trừ 4 biểu mẫu thuộc thẩm quyền in, phát hành của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp). Đối với những địa phương chưa có điều kiện sử dụng Internet thì Sở Tư pháp tổ chức in, phát hành miễn phí các biểu mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương mình.

2.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên ngành để triển khai thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23-7-2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo thuận lợi và đồng nhất cho các địa phương trong triển khai thực hiện.

Trả lời:

Nhằm thống nhất thực hiện Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, ngày 18-11-2011, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 46 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP (Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2012).

3.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn về việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp; đồng thời, sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các biểu mẫu, sổ sách… trong lĩnh vực này.

Trả lời:

-Về việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp: Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch để trình liên Bộ ký ban hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

-Về việc ban hành văn bản hướng dẫn về các biểu mẫu, sổ sách… trong lĩnh vực lý lịch tư pháp: Ngày 27-6-2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BTP về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp, trong đó ban hành 8 loại biểu mẫu và 5 mẫu sổ lý lịch tư pháp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12-8-2011.

4.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chứng viên theo hướng đối với người có nhu cầu đề nghị bổ nhiệm để làm công chứng viên trên địa bàn tỉnh nào thì Sở Tư pháp tỉnh đó thẩm định hồ sơ và trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm (chứ không do người đó có nhu cầu trực tiếp đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm như quy định hiện nay) cho chặt chẽ hơn.

Trả lời:

Theo quy định của Luật Công chứng, người có nhu cầu đề nghị bổ nhiệm công chứng viên có hai nguồn:

Thứ nhất là: Người phải qua đào tạo nghề công chứng và phải tập sự hành nghề công chứng. Nguồn này hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Sở Tư pháp ở địa phương nơi đăng ký tập sự.

Thứ hai là: Người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng. Nguồn này hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi trực tiếp Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, tại điểm c Khoản 4 điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27-6-2011 của Bộ Tư pháp quy định: “Đối với hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của người được miễn đào tạo nghề công chứng, người được miễn tập sự hành nghề công chứng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các việc sau đây: Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đăng ký thường trú tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, trường hợp đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật thì nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ cơ quan Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp, ngoài bì ghi rõ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên”.

Như vậy, quy định như trên của Luật đã đảm bảo tính chặt chẽ về trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chứng viên.

5.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Theo quy định của Luật Công chứng, tổ chức hành nghề công chứng gồm có các Văn phòng Công chứng và Phòng Công chứng. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13-6-2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ hướng dẫn việc công chứng các hợp đồng và văn bản về bất động sản do các Phòng Công chứng thực hiện. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13-6-2006 cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Trả lời:

Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ban hành trước Luật Công chứng, do vậy một số quy định tại Thông tư này không còn phù hợp với quy định của Luật Công chứng. Ví dụ như thời hạn công chứng hợp đồng, văn bản; xác nhận hợp đồng, văn bản của Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, chỉ hướng dẫn việc công chứng các hợp đồng và văn bản về bất động sản do các Phòng Công chứng thực hiện…

Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị của cử tri và trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch nêu trên để phù hợp với Luật Công chứng.

6.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thống nhất, có hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện công tác này. Bởi vì, những hướng dẫn trong Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 3-3-2010 hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật nhưng còn quá chung chung, chưa cụ thể về nội dung, phương thức cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Trả lời:

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác theo dõi thi hành pháp luật, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30-11-2009 phê duyệt Đề án triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã khẩn trương triển khai soạn thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật. Ngày 29-11-2011, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết việc triển khai thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 3-3-2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trên cơ sở kết quả tổng kết Đề án và sơ kết Thông tư số 03/2010/TT-BTP, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định theo dõi thi hành pháp luật và trình Chính phủ tại Tờ trình số 02/TTr-BTP ngày 6-2-2012.

7.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 6-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, vì theo quy định của Nghị định số 91/2006/NĐ-CP thì tiêu chí để phân biệt văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Trả lời:

Hiện nay, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Bộ Tư pháp đang khẩn trương chuẩn bị tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 để nghiên cứu, xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật áp dụng chung cho cả văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của địa phương. Trong quá trình xây dựng Luật này, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu quy định tiêu chí cụ thể, khoa học hơn để tạo thuận lợi cho việc phân biệt hai loại văn bản này.

8.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Hộ tịch (thay thế Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ) vì đây là vấn đề cơ bản, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân từ khi sinh ra đến khi chết, do đó, cần ban hành luật để điều chỉnh vấn đề này. Trong khi chưa ban hành Luật, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng:

+Tại Điều 9 quy định: Khi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, cấp huyện và cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp không biết rõ thân nhân hoặc nơi cư trú thì yêu cầu xuất trình giấy CMND hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu… quy định như vậy sẽ dẫn đến sự tùy nghi trong quá trình áp dụng của cán bộ hộ tịch; đồng thời sẽ gây khó khăn nhất định trong việc đối chiếu, lưu trữ hồ sơ cũng như công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới về hồ sơ lưu trữ việc đăng ký hộ tịch (ví dụ, nếu không lưu trữ bản sao sổ hộ khẩu thì không xác định được việc đăng ký khai sinh đúng thẩm quyền theo nơi cư trú hay không).

+Nhiều trường hợp quy định thủ tục nhưng lại không quy định hồ sơ giải quyết trong trường hợp này bao gồm những giấy tờ gì, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong việc áp dụng như: đăng ký nhận cha, mẹ, con trong trường hợp con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất hành vi năng lực dân sự (khoản 2 Điều 32); đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch (Điều 38)…

+Tại khoản 4 Điều 45 (thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn), khoản 3 Điều 48 (thủ tục đăng ký lại việc khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi) quy định các thông tin về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán… trong các lý lịch cán bộ, đảng viên mà không thống nhất thì đăng ký hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Quy định như vậy là chưa đảm bảo chặt chẽ, tạo sự tùy nghi cho đương sự (họ thích thông tin trong giấy tờ nào thì họ cho rằng đó là giấy tờ được xác lập đầu tiên và sẽ cung cấp giấy tờ đó), sẽ làm cho dữ liệu hộ tịch không chính xác…

Trả lời:

-Về kiến nghị xây dựng Luật Hộ tịch: Đề án xây dựng Luật Hộ tịch đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012, trình Chính phủ tháng 6-2012, trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp 4. Bộ Tư pháp ghi nhận những ý kiến nêu trên của cử tri và sẽ nghiên cứu, xử lý khi xây dựng Luật Hộ tịch.

-Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch:

Ngày 2-2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.

Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trong đó, tại khoản 1 Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP như sau: “Khi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ Tư pháp hộ tịch) hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp) hoặc cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp không biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự, thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau đây để kiểm tra: “…”3.Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hộ tịch được gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì nộp bản sao các giấy tờ nêu trên, kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực”.

Quy định này nhằm mục đích đảm bảo thuận lợi, tránh gây phiền hà cho người dân khi đăng ký hộ tịch, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo chủ động và trách nhiệm quản lý hộ tịch tại địa phương của cán bộ tư pháp hộ tịch. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý và lưu trữ hồ sơ đăng ký hộ tịch, tại dự thảo Nghị định số 06/2012/NĐ-CP đã bổ sung Điều 9.a sau Điều 9 với nội dung quy định “Các giấy tờ phải nộp và xuất trình khi thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại Nghị định này được thành lập 1 bộ hồ sơ”.

Nghị định số 06/2012/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 32 về Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con; khoản 1 và khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Theo đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau: “1.Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

Đối với trường hợp xác định lại giới tính, thì phải nộp Giấy chứng nhận y tế do Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính theo quy định của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5-8-2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính”…

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 158 quy định “Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a)Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b)Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)”.

Như vậy, Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và các quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP tại Nghị định số 06/2012/NĐ-CP như đã nêu trên đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ giải quyết các trường hợp theo kiến nghị cử tri.

Khoản 4 Điều 45 và khoản 3 Điều 48 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định “… Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên…”, đồng thời, Nghị định số 06/2012/NĐ-CP đã quy định về việc xác minh và thời hạn xác minh để đảm bảo việc thực hiện các thủ tục này được đầy đủ và chính xác về thông tin hộ tịch của cá nhân.

9.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có sự điều chỉnh, quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong khoản 1, khoản 2 điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài, vì:

+Tại khoản 1 Điều 18 quy định các trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, trong đó đối với các trường hợp đương sự là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời; các đương sự đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng, một hoặc hai bên là đương sự mất năng lực hành vi dân sự… thì trong quá trình phỏng vấn, cán bộ thực hiện rất khó phát hiện được (mặc dù thực tế là đương sự thuộc 1 trong những trường hợp này nhưng cán bộ không thể từ chối việc đăng ký kết hôn vì muốn từ chối phải nêu lý do và bằng chứng cụ thể).

+Tại khoản 2 Điều 18 quy định: “việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn… không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn các hành vi nào trong đăng ký kết hôn được xem là: “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Vì thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp hai bên đương sự chênh lệch tuổi quá nhiều (bên nhiều tuổi hầu hết là công dân nước ngoài) hoặc bên công dân nước ngoài đã nhiều đời vợ; thời gian tìm hiểu chưa nhiều, chưa thông thạo về ngôn ngữ của nhau… Do đó, cần hướng dẫn cụ thể nội dung này để thuận tiện, thống nhất trong quá trình áp dụng.

Trả lời:

 Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 10-7-2002 và thực hiện việc lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 2-2012.

Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm “Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn. Sở Tư pháp tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các bên đương sự”. Như vậy, Nghị định này đã quy định rõ trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn nhằm phát huy tính chủ động của cán bộ để giải quyết hồ sơ. Trường hợp cần xác minh để làm rõ về nhân thân của đương sự thì tiến hành xác minh, do đó, không có khó khăn đối với cán bộ giải quyết hồ sơ kết hôn trong những trường hợp từ chối kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP.

Đối với kiến nghị về khoản 2 Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 10-7-2002 đã sửa nội dung này theo hướng: “Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy hai bên nam nữ không giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ chung; việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác”.


Ý kiến bạn đọc