Multimedia Đọc Báo in

Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào:

PHÁT TRIỂN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954 - 1975)

08:58, 02/07/2012

Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, cách mạng hai nước Việt Nam, Lào bước vào thời kỳ mới: thời kỳ tập trung xây dựng lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh để giữ vững hòa bình và giành độc lập, thống nhất ở mỗi nước.

Song, đế quốc Mỹ vẫn nuôi tham vọng xâm lược, ra sức can thiệp vào miền Nam Việt Nam và Lào, âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, để làm bàn đạp tiến công các nước xã hội chủ nghĩa. Trước sự chuyển biến mới của cách mạng Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được tiến hành từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 6 tháng 4 năm 1955 tại tỉnh Sầm Nưa. Đại hội đề ra Chương trình hành động 12 điểm, thông qua Báo cáo chính trị, Điều lệ của Đảng và bầu Ban Chỉ đạo toàn quốc gồm 5 người, do đồng chí Kayxỏn Phômvihản làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đảng Nhân dân Lào ra đời đã tạo cơ sở vững chắc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Lào, đồng thời là nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Lào - Việt Nam.

Đáp ứng yêu cầu đoàn kết rộng rãi lực lượng cách mạng trong giai đoạn mới, từ ngày 6 đến 31 tháng 1 năm 1956 , Uỷ ban Trung ương Neo Lào Ítxalạ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Sầm Nưa. Đại hội thông qua Cương lĩnh chính trị 12 điểm và quyết định đổi tên Neo Lào Ítxalạ thành Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, gồm 47 đại biểu, đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo trong cả nước, do Hoàng than Xuphanuvông làm Chủ tịch.

Thành công của Đại hội đại biểu lần thứ II Neo Lào Hắc Xát đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Lào và mở ra triển vọng mới cho sự tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Sau khi Đảng Nhân dân Lào được thành lập, các lực lượng yêu nước Lào với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các tổ cố vấn quân sự và dân chính Việt Nam đã liên tiếp đánh bại các cuộc tiến công của các thế lực phái hữu trong chính quyền và quân đội Viêng Chăn vào vùng căn cứ cách mạng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 2 tháng 11 năm 1957 , Hoàng thân Xuphanuvông, đại diện Neo Lào Hắc Xạt và Hoàng thân Xuvana Phuma, đại diện Chính phủ Vương quốc Lào lấy tuyên bố chung thoả thuận thành lập Chính phủ Liên hiệp, có Neo Lào Hắc Xạt tham gia. Ngày 25 tháng 12 năm 1957, cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt chính thức ra mắt và hoạt động công khai, hợp pháp tại thủ đô Viêng Chăn.

Nhân dịp giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ Liên hiệp, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi, giúp đõ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng.

Từ cuối năm 1958 , đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước xoá bỏ các hiệp ước hoà hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xoá bỏ Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc.

Trước sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào (3-6-l959) xác định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác.

Thống nhất với quan điểm trên của Đảng Nhân dân Lào, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (2-7-1959) đề ra chủ trương chi viện cách mạng Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng trong tình hình mới và coi đây là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1961, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh việc đánh phá hòng ngăn chặn việc vận chuyển của Đoàn 559 trên tuyến Đông Trường Sơn. Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các bộ tộc Lào, các đoàn công tác quân sự Việt Nam đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, phục vụ cho việc mở tuyến đường mới dọc Tây Trường Sơn trên đất Lào.

Do bị thất bại nặng nề và liên tiếp trên các mặt trận, nhất là trong chiến dịch Nặm Thà (5 -1962), đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Viêng Chăn phải thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ hai, có lực lượng Pa thét Lào tham gia (12-6-1962) và ký kết Hiệp định Giơnevơ (23-7-1962) công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, ngày 5- 9-1962, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đầu năm 1963  vua Lào Xỉxávàng Vắthana dẫn đầu đoàn đại biểu Hoàng gia Lào thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ... Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không. bao giờ phai nhạt được”.

Mặc dù Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào được ký kết, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược Lào, tăng cường viện trợ, giúp chính quyền tay sai thân Mỹ tiến công lấn chiếm vùng giải phóng, đồng thời ra sức phá hoại Chính phủ liên hiệp, cô lập và vu cáo Neo Lào Hắc Xạt.

Từ cuối năm 1963, Việt Nam cử chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và đến giữa năm 1964, thành lập hệ thống chuyên gia quân sự Việt Nam từ trên cơ quan Tổng tư lệnh Lào xuống đến Bộ tư lệnh các quân khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn, có nhiệm vụ phối hợp với bạn để nghiên cứu kế hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ ở Lào. Đồng thời, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối họp với bộ đội Pathết Lào mở nhiều chiến dịch, chủ yếu ở khu vực đường 9 - Trung Lào, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, đập tan các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam vận chuyển trên đường Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam và cách mạng hai nước Lào, Campuchia.

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện bước leo thang chiến tranh mới, đưa lực lượng không quân Mỹ vào tham chiến ở Lào, đẩy chiến tranh đặc biệt ở Lào phát triển đến cao độ; đồng thời tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.

Ngày 22-6-1965, Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đảng Nhân dân Lào thống nhất các nội dung phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, trong đó tập trung giúp Lào xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang. Tiếp đó, ngày 3-7-1965, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết khẳng định : “Việt Nam cần phải nỗ lực đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của Lào”.

Ngày 20-1-1966, bộ đội Pathết Lào đổi thành Quân giải phóng nhân dân Lào, tăng cường xây dựng lực lượng, tạo sự thay đổi cơ bản trong so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.

Đầu năm 1968, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công Nặm Bạc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc - Khăm Đeng với trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.

Những thắng lợi trên thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào, đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào, trong đó thể hiện tình cảm chân thành nhất mực, sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, như đồng chí Kayxỏn Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (12-1968) đã nhấn mạnh : “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư? Việt Nam đã giúp Lào cả vật chấn và xương máu. Xương máu của nhân dân biệt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào . . . Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Mặc dù bị thất bại, từ năm 1969, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh, đưa chiến tranh đặc biệt ở Lào lên đến đỉnh cao với sự tham gia ngày càng nhiều của lực lượng không quân Mỹ và quân đội các nước tay sai, chư hầu của Mỹ, đồng thời tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở rộng chiến tranh sang Campuchia.

Trước âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã ra chỉ thị khẳng định tăng cường đoàn kết giữa nhân dân hai nước, quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai  trong bất cứ tình huống nào.

Với sự nỗ lực vượt bậc của bản thân và cùng với sự đoàn kết, giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam, đến cuối năm 1972 , cách mạng Lào đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, nhất là Đảng Nhân dân Lào đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai: quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào và suy tôn đồng chí Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng; thông qua Nghị quyết: tăng cường đoàn kết Lào-Việt, trong đó khẳng định tình đoàn kết Lào - Việt trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê nin và tinh thần quốc tế vô sản là mối quan hệ đặc biệt, đã đánh dấu sự trưởng thành về chính trị và tổ chức của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam lên bước phát triển mới.

Trước những thắng lợi to lớn về mọi mặt của cách mạng 3 nước Đông Dương, đặc biệt là chiến 'thắng (Điện Biên phủ trên không) đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ tháng 12/1972 vào Hà Nội, Hải phòng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Những chiến thắng to lớn về nhiều mặt của quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng nhân dân .Lào cuối năm 1972, đầu năm 1973 đã trực tiếp góp phần quan trọng buộc chính phủ Viêng Chăn phải ký kết Hiệp định Viêng Chăn lập lại hoà bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (21-2-1973 ).

Sau khi ký Hiệp định Viêng Chăn năm 1973, cục diện nước Lào hình .thành 3 vùng, với hai chính quyền song song tồn tại, đó là: vùng giải phóng với 4/5 đất đai và hơn một nửa dân số do Pathết Lào quản lý; vùng do chính quyền phái hữu chiếm đóng và vùng trung lập hoá gồm đô thị Viêng Chăn và Luổng Pha Băng, có lực lượng của cả hai bên cùng tham gia quản lý bảo vệ. Chính phủ liên hiệp lâm thời lần thứ 3 và Hội đồng Chính trị liên hiệp được thành lập với thành phần đại biểu của hai bên ngang nhau.

Tại cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào (12-1973), hai Đảng đã thống nhất xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong tình hình hiện nay để đưa cách mạng Lào tiến lên là: củng cố, xây dựng vùng giải phóng; nắm chắc lực lượng vũ trang, đi đôi với việc sử dụng Chính phủ liên hiệp; đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong hai thành phố trung lập và trong vùng đối phương quản lý. Để nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước, hai Đảng đã nhất trí phương hướng hợp tác cần tập trung vào những  vấn đề cơ bản nhất, những khâu then chốt nhất, tạo điều kiện cho Lào nhanh chóng đảm đương được công việc một cách độc lập, tự chủ.

Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam từng bước rút chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước (rút trước tháng 5-1974), đồng thời điều chỉnh các lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện còn lại để phối hợp và giúp Lào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ hiệu quả giữa Việt Nam và Lào nói trên, đã làm cho thế và lực của cách mạng Lào lớn mạnh vượt bậc, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lan rộng và sôi nổi, nhất là ở Thủ đô Viêng Chăn, buộc Chính phủ liên hiệp phải chấp nhận Cương lĩnh chính trị 18 điểm và Chương trình hành động 10 điểm do Mặt trận Lào yêu nước đưa ra ( 12- 1974), đồng thời góp phần hỗ trợ tích cực cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trước thắng lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4-1975, nhất là chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975) của nhân dân Việt Nam, ngày 5-5-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội nghị mở rộng, quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn.

Việc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời (tháng 12 năm l975) là thắng lợi to lớn triệt để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

(còn nữa)

Nguồn Tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.