Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Nhìn từ những điển hình

12:51, 03/09/2012

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi tập thể, cá nhân dù ở lĩnh vực công tác nào cũng đều có những việc “làm theo” thiết thực, cụ thể. Ðiều này đã tạo sự lan tỏa và làm dấy lên phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

“Lương y phải như từ mẫu”


Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chú trọng áp dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar chú trọng áp dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chi bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các khoa, phòng và từng cá nhân. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, Chi bộ, Ban Giám đốc Bệnh viện còn phát động phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện 12 điều y đức của ngành mà trọng tâm là nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức ứng xử với người bệnh và gia đình bệnh nhân; định kỳ tổ chức học tập, quán triệt các chuyên đề tới 100% cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, hằng năm, Chi bộ, Ban Giám đốc Bệnh viện đều áp dụng hình thức bỏ phiếu kín chọn những tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm động viên khen thưởng và kịp thời nhắc nhở những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đơn vị đã giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể, kiện toàn lại tổ chức, chủ động sắp xếp nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế của các khoa, phòng, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao y đức và tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, triển khai thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật mới… Ngoài ra, Bệnh viện còn thường xuyên cải tiến, sắp xếp, sửa đổi lề lối làm việc, áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và hoạt động chuyên môn, giảm phiền hà cho người bệnh. Năm 2011, Bệnh viện đã khám và điều trị cho 110.547 lượt bệnh nhân, trong đó có 49.531 bệnh nhân bảo hiểm y tế, 7.675 bệnh nhân điều trị nội trú; công suất sử dụng giường bệnh đạt 100%. Đồng thời, Bệnh viện triển khai thực hành tiết kiệm thông qua việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, năm 2011 đã tiết kiệm được 40,5 triệu đồng. Thạc sĩ - bác sĩ Châu Đương, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện cho biết, thông qua việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đơn vị đã có sự chuyển biến trong nhận thức, tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống, đổi mới tác phong làm việc. Đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện các quy chế chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng theo lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”.

Người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Chư Cúc

Ông Lê Ngọc Hùng trong buổi giao lưu, tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012 của huyện Ea Kar.
Ông Lê Ngọc Hùng trong buổi giao lưu, tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012 của huyện Ea Kar.

Thôn Chư Cúc (xã Ea Kmut, huyện Ea Kar) có 245 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó cà phê là cây trồng chủ lực. Nhưng do đất đai ở đây nhiều đồi dốc, bạc màu, sỏi đá nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cả thôn còn 49 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Với trách nhiệm của Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, ông Lê Ngọc Hùng luôn trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân trong thôn. Sau khi tham khảo nhiều mô hình, ông bàn bạc với Ban tự quản thôn vận động người dân chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo bởi mô hình này phù hợp với điều kiện của địa phương như: giảm công chăn thả, không cần nhiều diện tích, loại cỏ nuôi bò rất thích hợp trồng ở vùng đất đồi dốc. Để người dân trong thôn tin tưởng vào hướng đi mới, ông đã thuyết phục vợ con phá bỏ 5.000m2 cà phê già cỗi thay vào đó là trồng cỏ nuôi bò. Sau khi vận động chuyển đổi, năm 2007 cũng chỉ mới có 5 hộ tham gia với tổng số đàn bò 14 con, diện tích đất trồng cỏ 150m2. Để mô hình phát triển và được các cấp, ngành hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, ông Hùng đã tham mưu cho chi bộ và được Đảng ủy, UBND xã chấp thuận thành lập Câu lạc bộ “Chăn nuôi bò vỗ béo” thôn Chư Cúc. Nhờ vậy, đến nay mô hình chăn nuôi bò vỗ béo theo nông hộ đã đứng vững và ngày càng phát triển, thu hút 16 hộ tham gia, với tổng đàn bò tăng lên 147 con, chưa kể bò sinh sản, diện tích trồng cỏ là 4 ha xanh tốt quanh năm. Mô hình nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của các cấp, ngành, tạo sự liên kết giữa 4 nhà nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình nuôi một con bò đem lại lợi nhuận 1 triệu đồng/tháng, hộ có thu nhập cao nhất gần 300 triệu đồng/năm, số hộ đạt trên 100 triệu đồng/năm chiếm 50%. Mô hình này đã góp phần đáng kể nâng cao đời sống của người dân trong thôn, số hộ nghèo giảm còn 9 hộ. Ngoài ra, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã tham mưu cho chi bộ, Ban tự quản thôn vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng 960m đường giao thông nông thôn có chiều rộng từ 3m lên 6m. Ban tự quản thôn đang tiếp tục vận động người dân hiến đất, mở rộng 2,5 km đường liên thôn; đóng góp 48 triệu đồng mua đất xây dựng trường mầm non của thôn. Với những kết quả đạt được, ông Hùng vinh dự được huyện Ea Kar chọn tham gia giao lưu, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012.

“Điểm tựa” của phụ nữ nghèo

Nhờ được vay các nguồn vốn, hội viên phụ nữ xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Nhờ được vay các nguồn vốn, hội viên phụ nữ xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) hiện có 4.566 phụ nữ, trong đó có gần 2.200 cán bộ, hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại 32 chi hội. Tuy cuộc sống của đa phần chị em còn khó khăn nhưng thực hiện phong trào thi đua yêu nước, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nhất là nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ (HPN) xã đã phát động Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, được đông đảo hội viên tham gia hưởng ứng. Với số tiền đóng góp 5.000 đồng/người/năm, đến nay HPN xã đã xây dựng được trên 78 triệu đồng quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, giúp 32 hội viên nghèo, phụ nữ làm chủ hộ vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Điều đáng nói, tiền lãi thu được từ quỹ “Vì phụ nữ nghèo” được trích ra hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn sửa chữa nhà cửa. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều (1,5 - 2,5 triệu đồng/hội viên) nhưng đã kịp thời động viên tinh thần, giúp chị em ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội. Chẳng hạn như trường hợp chị Phan Thị Hòa (thôn 12) một mình nuôi 3 con ăn học, căn nhà gỗ cũ dột nát từ lâu nhưng chưa có điều kiện sửa chữa. Đầu năm 2011, HPN xã đã trích 2 triệu đồng từ quỹ “Vì phụ nữ nghèo” hỗ trợ gia đình chị sửa lại nền nhà. Chi hội phụ nữ thôn 12 còn vận động hội viên góp ngày công, anh em dòng họ hỗ trợ thêm giúp chị sửa sang lại căn nhà. Hay như chị Nguyễn Thị Lý (thôn 11) cũng đã được HPN xã hỗ trợ kinh phí từ quỹ “Vì phụ nữ nghèo” và các chị em trong chi hội giúp ngày công sửa chữa, lợp lại mái tôn để có một căn nhà ấm áp hơn. Ngoài ra, HPN xã còn phát động các chi, tổ hội xây dựng “Hũ gạo tình thương” và “Heo đất tiết kiệm” thu được 715kg gạo và 94 triệu đồng hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch HPN xã cho biết: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải bắt đầu từ những việc cụ thể, thiết thực gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Vì vậy, khi HPN xã triển khai xây dựng quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, “Hũ gạo tình thương” và “Heo đất tiết kiệm” đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, tạo thành phong trào rộng khắp. Từ các hoạt động trên, HPN xã đã giúp 3 hội viên thoát nghèo. Vì vậy, có thể nói, Hội đã thực sự trở thành “điểm tựa”, giúp hội viên nghèo vươn lên”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.