Multimedia Đọc Báo in

Các Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak

07:50, 26/11/2012

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành ý kiến kiến nghị của cử tri và đã được xem xét trả lời.

Tiếp tục rà soát, xem xét về định mức và đơn giá quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng mở cho phù hợp với điều kiện của từng nơi

*Cử tri đề nghị Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng hệ số điều chỉnh trong việc lập chi phí, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với khu vực tỉnh Dak Lak để triển khai thực hiện (áp dụng hệ số điều chỉnh K = 1,0 như vùng đồng bằng hay K = 1,2 như vùng miền núi và hải đảo).

-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13 ngày 28-10-2011. Theo đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần giao Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thựchiện quy hoạch nông thôn mới; chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về lập, quản lý quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn. Do vậy, Sở Xây dựng Dak Lak cần phối hợp với sở, ngành liên quan sớn tham mưu ban hành mức hỗ trợ các xã để thực hiện quy hoạch nông thôn mới.

Về định mức hỗ trợ từ ngân sách hiện nay đang áp dụng hình thức ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương với mức hỗ trợ bình quân 150 triệu đồng/xã, không phân biệt các vùng, miền và đặc thù các xã. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện căn cứ vào khả năng ngân sách, mức độ cần hoàn thành đáp ứng tiêu chí để quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách cho các xã theo các hình thức xã bổ sung, cập nhật hoặc làm mới quy hoạch..., không dựa vào hệ số điều chỉnh K theo vùng như đối với quy hoạch xây dựng từ trước đến nay vẫn thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai công tác quy hoạch nông thôn mới, một số địa phương cũng đã có ý kiến đề nghị cần phải nghiên cứu về mức hỗ trợ phù hợp từ ngân sách Trung ương đối với các xã có diện tích lớn, miền núi, khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Theo Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 10-7-2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, xem xét các văn bản hướng dẫn quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn; về định mức và đơn giá quy hoạch; hướng dẫn theo hướng mở để địa phương quy định cho phù hợp với điều kiện của từng nơi.

Sẽ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng

Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí ổn định

đời sống và sản xuất cho đồng bào di cư tự do

*Cử tri kiến nghị: Tỉnh Dak Lak hằng năm có số lượng dân di cư không theo kế hoạch rất lớn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, nhưng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác ổn định đời sống của đồng bào còn qúa thấp. Đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để Dak Lak triển khai thực hiện một số dự án nhằm ổn định đời sống cho đồng bào.

-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 193 ngày 24-8-2006 về việc phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”. Theo đó, Nhà nước phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo kế hoạch hằng năm để các tỉnh có dân di cư tự do thực hiện các dự án nhằm ổn định đời sống cho đồng bào.

Tuy ngân sách Nhà nước còn hạn chế nhưng từ năm 2006 đến năm 2012 đã hỗ trợ cho tỉnh Dak Lak 176.486 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung từ nguồn ngân sách dự phòng cho các tỉnh thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do. Riêng năm 2011, ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung 209.000 triệu đồng để các tỉnh Tây Nguyên thực hiện sắp xếp ổn định dân di cư tự do; trong đó Dak Lak 89.000 triệu đồng. Năm 2012, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh 11.000 triệu đồng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ bổ sung 45.000 triệu đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào.

Dự kiến chọn Dak Lak là địa phương xây dựng Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần

*Cử tri đề nghị hỗ trợ xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi cho người tâm thần tại khu vực Dak Lak vì hiện nay Dak Lak có Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh quy mô 100 người nhưng đang chăm sóc gần 120 người và còn rất nhiều đối tượng ở cộng đồng cần phải nuôi dưỡng tập trung nhưng không thể đưa vào được (theo số liệu điều tra toàn tỉnh có khoảng 2.580 người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng)

-Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời: Thực hiện Quyết định số 1215 ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rỗi nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trì xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rỗi nhiễu tâm trí. Trong đó, Bộ dự kiến chọn Dak Lak là địa phương xây dựng Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trung tâm trong giai đoạn 2013-2020.

Đã có các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn

*Cử tri kiến nghị: Hiện nay khu vực nông thôn đặc biệt là người nông dân đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Nhà nước tiếp tục có những cơ chế, chính sách quan tâm đến người nông dân, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người nông dân khi nông nhàn.

-Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thứ nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 với các dự án: Dự án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, mục tiêu hỗ trợ lao động nông thôn học nghề để tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm, bảo đảm đến năm 2020 bình quân hằng năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn; Dự án “vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm”, mục tiêu cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ tạo việc làm cho 1-1,2 triệu lao động trong giai đoạn 2011-2015, trong đó cho vay ưu đãi đối với nhóm lao động yếu thế và cho vay khởi sự doanh nghiệp đối với lao động thanh niên.

Thứ hai là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo, hộ nghèo; tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường nhằm phát triển sản xuất và dịch vụ đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đàm Thuần (lược ghi)

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.