Multimedia Đọc Báo in

Các Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak

07:48, 27/11/2012

Sẽ lưu ý để quy định cụ thể hơn về các điều kiện áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói

* Cử tri đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá và hợp đồng do biến động nguyên, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và giá nhân công đối với các gói thầu đã thực hiện ký kết hợp đồng trọn gói, kể từ ngày 1-1-2011.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Luật Đấu thầu (điều 49) quy định hình thức trọn gói được áp dụng cho những phần công việc được xác định rõ về số lượng, khối lượng. Giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Thực tế hiện nay một số chủ đầu tư vẫn áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói cho những gói thầu/phần công việc chưa được xác định rõ về số lượng, khối lượng; thời gian thi công dài. Việc áp dụng hình thức hợp đồng không phù hợp với quy định của một số chủ đầu tư dẫn đến khó khăn cho nhà thầu do biến động giá. Tuy nhiên, trường hợp hợp đồng đã ký kết theo hình thức trọn gói thì nhà thầu vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc thanh toán theo quy định. Đây là vấn đề mà cả chủ thầu và nhà đầu tư phải rút kinh nghiệm trước khi ký hợp đồng. Qua theo dõi, các vướng mắc về biến động đơn giá đối với hợp đồng trọn gói trong thời gian qua không nhiều, chưa phổ biến mà chỉ là một số trường hợp cụ thể. Do vậy, tại thời điểm này, Bộ Kế  hoạch và Đầu tư ghi nhận trường hợp cụ thể nói trên để tiếp tục theo dõi và sẽ báo cáo Chính phủ khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ sẽ lưu ý vấn đề này trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để quy định cụ thể hơn về các điều kiện áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, nhằm khắc phục các vướng mắc nói trên.

Đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho Dự án đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột và Công trình thủy lợi Ea Súp thượng

* Cử tri kiến nghị Dự án đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột và Công trình thủy lợi Ea Súp thượng, huyện Ea Súp đang được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, quá trình thực hiện đã có sự điều chỉnh về kỹ thuật và tổng mức đầu tư. Đề nghị Trung ương tiếp tục cho thực hiện 2 dự án này bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, vì hai công trình này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Dự án đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột hiện đang được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Kế hoạch giai đoạn 2012-2015, dự án đã được bố trí 478,8 tỷ đồng trong đó năm 2012 là 50 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013. Công trình thủy lợi Ea Súp thượng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quan, đang đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Kế hoạch giai đoạn 2012-2015, dự án đã được bố trí 85 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 80 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2012.

Dự án đường Hồ Chí Minh và Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C đã được đưa vào danh mục các dự án ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013

* Cử tri đề nghị Chính phủ và các Bộ, ưu tiên ứng vốn kế hoạch năm 2013 để Bộ Giao thông - Vận tải thi công hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Dak Lak và Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C, giải quyết kịp thời bức xúc của cử tri.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Trong kế hoạch 2012, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak đã được giao 30 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Dak Lak, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp đưa vào danh mục các dự án ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 cho dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột 80 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C đoạn qua Dak Lak 39 tỷ đồng.

Đang xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án giao thông khu vực Tây Nguyên đến năm 2020

* Cử tri đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm quy hoạch mạng lưới giao thông cho vùng Tây Nguyên, đồng thời có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Trước tiên, quan tâm đầu tư nâng cấp các quốc lộ 14, 27, 26, 29 vì hiện nay các tuyến đường này đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

- Bộ Giao thông - Vận tải trả lời: Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án giao thông khu vực Tây Nguyên đến năm 2020. Trước mắt, tập trung ưu tiên nâng cấp trục dọc đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và quốc lộ 27 bằng viện kết hợp các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP... Các tuyến quốc lộ 26, 29, Bộ Giao thông - Vận tải đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn triển khai. Trong khi chưa bố trí được vốn triển khai ngay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương để tập trung tăng cường công tác bảo trì và bảo đảm giao thông.

Đề nghị UBND tỉnh Dak Lak phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện phương án điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện và phương án thành lập thị xã Ea Kar

* Cử tri đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định chia tách địa giới hành chính cấp xã, huyện theo đề nghị của tỉnh Dak Lak nhằm giúp địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.

- Bộ Nội vụ trả lời: Về vấn đề nêu trên, Bộ Nội vụ đã có ý kiến tại Công văn số 971 ngày 16-3-2012 gửi Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Dak Lak phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện phương án điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện và phương án thành lập thị xã Ea Kar theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Trên cơ sở các phương án đã được hoàn thiện của tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đề nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đầu tư hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, bổ sung Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Buk vào danh mục dự án và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015

* Cử tri đề nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn cho dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Buk, vì đây là huyện mới chia tách, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn.

- Bộ Y tế trả lời: Ngày 2-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cao bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010” tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg. Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Buk nằm trong danh mục bệnh viện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 và giai đoạn 2012-2015 của tỉnh đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo thì không có Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Buk do bệnh viện không nằm trong danh mục các dự án thuộc Nghị quyết 881 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 184 của Thủ tướng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đầu tư hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, bổ sung bệnh viện vào danh mục dự án và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho bệnh viện.

Đàm Thuần (lược ghi)

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.