Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

14:05, 07/11/2012

Ngày 6-11, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Khi thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu QH đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh chế độ chính trị; chế định Chủ tịch nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường... đã được cơ quan soạn thảo trình tại kỳ họp lần này.

Thống nhất với các nội dung sửa đổi, nhiều đại biểu QH cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp hướng tới tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sửa đổi Hiến pháp cũng phải thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; đồng thời hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Thống nhất quan điểm sửa đổi quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, có đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp để đảm bảo phát huy vai trò, hiệu quả trong lĩnh vực được phân công.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi những điều khoản sao cho thể hiện rõ nét hơn nữa nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ của công dân với Nhà nước.  Đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi lần này việc cơ quan Nhà nước phải công khai mọi thông tin để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Hiến pháp cũng cần bổ sung nhiều hơn điều khoản thể hiện quyền dân chủ của công dân thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý, bầu cử. Theo đánh giá,  dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, thể hiện rõ nét hơn những cam kết với quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người.

Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, một số ý kiến đề nghị thay vì quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên quy định kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; đồng thời Hiến pháp cũng cần làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế và vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quy định đối với thành phần kinh tế tư nhân - thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Đề nghị chú trọng đến quyền của cá nhân đối với đất đai - quyền về tài sản, đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự, có đại biểu kiến nghị Hiến pháp sửa đổi cần có quy định cụ thể về quyền sử dụng đất là quyền bất khả xâm phạm của người dân…

Góp ý về chế định Chủ tịch nước, hầu hết các ý kiến tán thành với vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang, tuy nhiên cần làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao đối với cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; công bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật... Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền ký kết Điều ước quốc tế giữa Chủ tịch nước với QH.

Về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đại biểu cho rằng cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng.

 Q.A (tổng hợp)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc