Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 95 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7-11-1917 – 7-11-2012)

Cách mạng Tháng Mười Nga và những ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

08:32, 07/11/2012

Ngày 7-11-1917 là một ngày lịch sử trọng đại đối với nhân dân Nga và đối với toàn nhân loại tiến bộ. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã khai sinh một nhà nước kiểu mới – Nhà nước xã hội chủ nghĩa, mở đầu một sự nghiệp vĩ đại trong lịch sử loài người - sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hơn 70 năm tồn tại, phát triển, mặc dù có không ít hạn chế, sai lầm, khuyết điểm nhưng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô đã đạt nhiều thành tựu vĩ đại. Nhìn lại những thành quả cách mạng của nhân dân Nga dưới thời Xô Viết càng khẳng định giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười và những ưu việt của nền dân chủ XHCN – nền dân chủ bảo đảm trên thực tế quyền làm chủ của đông đảo nhân dân lao động.

Từ Cách mạng Tháng Mười, đông đảo nhân dân lao động đã thiết lập một Nhà nước kiểu mới, đã sáng tạo nên một nền dân chủ kiểu mới theo cách thức của mình. Cách mạng thành công, chính quyền Xô Viết đã khẩn trương và triệt để thủ tiêu những tàn tích của chế độ phong kiến nông nô nhằm giải quyết những nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân chủ tư sản cũng như bắt tay vào sự nghiệp xây dựng CNXH, xây dựng và thực hành dân chủ XHCN; tuyên bố xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị phong kiến, tất cả mọi người chỉ có một danh hiệu chung là những công dân của nước cộng hòa Xô Viết; tuyên bố về sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng...

Vượt qua bao thử thách hiểm nghèo, chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành công chính quyền và nền dân chủ non trẻ, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân và các dân tộc, năm 1922, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng. Các Hiến pháp của Liên Xô đều khẳng định quyền làm chủ của nhân dân lao động, và nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các Xô Viết đại biểu nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Liên Xô là quốc gia XHCN, cơ sở kinh tế là hệ thống kinh tế XHCN với chế độ sở hữu XHCN, cơ sở chính trị là các Xô Viết đại biểu của người lao động… Nhân dân Liên Xô, không phân biệt thành phần dân tộc, nam hay nữ, đều có quyền bình đẳng như nhau, là những người chủ thực sự của đất nước.

Một góc Quảng trường Đỏ tại Thủ đô Mat-xcơ-va (Nga). (Ảnh minh họa)
Một góc Quảng trường Đỏ tại Thủ đô Mat-xcơ-va (Nga). (Ảnh minh họa)

Nhà nước Xô Viết là công cụ thể hiện lợi ích và thực hiện ý chí của nhân dân Liên Xô. Các Xô Viết là cơ quan quyền lực do nhân dân bầu ra trên cơ sở đầu phiếu phổ thông trực tiếp, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Tất cả công dân Liên Xô, đến 18 tuổi, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng… đều có quyền trực tiếp bầu cử và ứng cử vào các Xô Viết (riêng đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô phải từ 21 tuổi trở lên). Các Xô Viết là những tổ chức đại diện có tính chất quần chúng rộng rãi của nhân dân Liên Xô: đại biểu là công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ khoa học, văn hóa, giáo dục, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, đại biểu là đảng viên, đại biểu là người ngoài đảng, đại biểu đoàn viên thanh niên, phụ nữ… Cử tri không chỉ bầu ra các Xô Viết, đề đạt ý kiến, nguyện vọng của mình cho các đại biểu, các cơ quan đại diện của chính quyền Nhà nước mà còn có quyền kiểm tra và bãi miễn các đại biểu nếu đại biểu không còn xứng đáng với tín nhiệm của cử tri. Các Xô Viết được chia thành Xô Viết tối cao và Xô Viết địa phương. Các cơ quan đại diện tối cao gồm Xô Viết tối cao Liên Xô và Xô Viết tối cao các nước cộng hòa liên bang và cộng hòa tự trị. Các cơ quan đại diện địa phương là các Xô Viết đại biểu nhân dân khu, tỉnh, khu dân tộc, thành phố, khu phố, huyện, thị trấn và xã.

Xô Viết tối cao Liên Xô thành lập các cơ quan Nhà nước cao nhất của Liên Xô: Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô, cử Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, Tòa án tối cao và Viện kiểm sát Liên Xô. Xô Viết tối cao các nước cộng hòa liên bang và cộng hòa tự trị cũng cử ra các cơ quan nhà nước cao nhất của mình: Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao, Hội đồng bộ trưởng, Tòa án và Viện kiểm sát. Các Xô Viết địa phương (khu, tỉnh, khu dân tộc, thành phố, khu phố, huyện, thị trấn và xã) là cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương, bầu ra các cơ quan chấp hành của địa phương mình gồm: chủ tịch, các phó chủ tịch,… thành lập các ban, ngành để chăm lo mọi mặt hoạt động của địa phương mình. Hoạt động của Xô Viết tối cao Liên Xô, Xô Viết tối cao các nước cộng hòa, Xô Viết đại biểu các cấp và tất cả các cơ quan Nhà nước khác, từ trung ương đến địa phương đều thực hiện chế độ tập trung dân chủ và đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Dưới chế độ Xô Viết, nhân dân Liên Xô thực hiện quyền làm chủ của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Nhân dân Liên Xô tham gia quản lý xã hội không chỉ thông qua các cơ quan Nhà nước mà còn thông qua hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội. Đó là công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Lênin, các tổ chức hợp tác xã, các hội nghiên cứu khoa học, các hội sáng tác, hội tình nguyện giúp quân đội, hội chữ thập đỏ, các hội thể thao, Liên hiệp các hội hữu nghị và liên lạc văn hóa với nước ngoài, Ủy ban Cựu chiến binh Liên Xô, Ủy ban Đoàn kết Á – Phi, Ủy ban Bảo vệ hòa bình, Ủy ban Phụ nữ Liên Xô, và nhiều đoàn thể tự nguyện khác của nhân dân Liên Xô như: Hội Những người thích đọc sách, Hội Bảo vệ thiên nhiên, Hội Phòng cháy và chữa cháy…

Nền dân chủ XHCN ở Liên Xô ra đời và hoạt động trong bối cảnh vô cùng khó khăn nhưng đã thể hiện rõ những ưu việt của nó. Trên một diện tích 22,4 triệu km2, gần 270 triệu dân được làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng cuộc sống ổn định, tự do. Công việc chính trị, sinh hoạt dân chủ, quản lý nhà nước trở thành công việc tự nhiên hằng ngày của hàng triệu nhân dân lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một nền dân chủ rộng rãi, nền dân chủ của số đông, do số đông, vì số đông nhân dân lao động đã đơm hoa kết trái trên diện tích 1/6 địa cầu. Nền dân chủ XHCN Xô Viết không chỉ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế cho nhân dân và đồng bào các dân tộc Liên Xô mà hơn thế nữa nó còn thúc đẩy sự ra đời, phát triển của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở các nước khác, kể cả thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Nền dân chủ XHCN Xô Viết đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm, sức sáng tạo vĩ đại của hàng trăm triệu con người để không chỉ bảo vệ nước Nga, phát triển nước Nga, quản lý nước Nga, mang lại dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân Liên Xô mà còn góp phần to lớn trong bảo vệ toàn nhân loại trước những thử thách liên quan đến sự tồn vong… Giá trị nhân bản lớn nhất, sâu sắc nhất của nền dân chủ XHCN Xô Viết đó là nền dân chủ do đông đảo nhân dân lao động sáng tạo nên vì lợi ích, vì hạnh phúc của chính mình.

Nền dân chủ XHCN Liên Xô còn thể hiện sự ưu việt trên lĩnh vực kinh tế. Trước năm 1917, nước Nga là một nước tư bản phát triển ở trình độ trung bình và mang nặng những tàn tích của chế độ nông nô phong kiến. Nước Nga được xem là “trung tâm nhà quê của Châu Âu”, rộng lớn nhất Châu Âu nhưng lạc hậu cũng ở vị trí đứng đầu. Nước Nga lạc hậu hơn các nước tư bản phát triển cả hàng trăm năm. Ngay năm 1913 là năm kinh tế phát triển nhất, sản lượng công nghiệp của nước Nga cũng chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp của thế giới và bằng 12,5% sản lượng công nghiệp của Mỹ. Sau Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xô Viết tiếp nhận một di sản kinh tế kiệt quệ, đổ nát. Từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, lại liên tục bị cả thế giới tư bản bao vây, cô lập nhưng sức sáng tạo của hàng triệu nhân dân lao động đã làm nên thần kỳ Xô Viết. Sau khi xóa bỏ chế độ người bóc lột người, nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã dốc sức vào sự nghiệp tổ chức xây dựng có tính quyết định cho sự thắng lợi của CNXH và nền dân chủ XHCN, đó là xây dựng nền tảng kinh tế của chế độ XHCN, thực hành và phát huy dân chủ XHCN trên lĩnh vực kinh tế.

Chỉ sau 20 năm, Liên Xô vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp, đứng thứ nhất Châu Âu và thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Đến năm 1985, thu nhập quốc dân của Liên Xô đã bằng 66% của Mỹ, sản xuất công nghiệp bằng 80%, sản xuất nông nghiệp bằng 85%. Trong 25 năm, từ 1960 đến 1985, Liên Xô đã vượt Mỹ trong một số ngành công nghiệp chủ chốt như dầu lửa, khí đốt, thép, phân bón hóa học, xi măng. Trên cơ sở những thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, Đảng và Chính phủ Xô Viết đã lãnh đạo nông dân đi vào con đường tập thể hóa nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp XHCN hiện đại. Chủ nghĩa xã hội Xô Viết, nền dân chủ Xô Viết đã đem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, hòa bình hữu nghị cho các dân tộc, bình đẳng, ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Sau bảy thập kỷ xây dựng, phát triển, thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng 150 lần. Những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã đạt mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người tương đương với các nước tư bản trung bình ở Tây Âu.

Như vậy là, chính CNXH, chính nền dân chủ XHCN chứ không phải chủ nghĩa tư bản, không phải nền dân chủ tư sản đã xóa bỏ tình trạng lạc hậu triền miên của nước Nga, đưa nước Nga trở thành một trong hai siêu cường của thế giới. Nhưng điều cơ bản hơn, vĩ đại hơn, con đường trở thành cường quốc của Liên Xô không phải bằng xâm lược, áp bức, nô dịch, không phải bằng bom đạn và gây chiến tranh mà bằng sức sáng tạo chân chính phi thường của hàng trăm triệu công nhân, nông dân và những người lao động vì ấm no, hạnh phúc của chính họ.

Liên bang Xô Viết là ngôi nhà chung của hàng trăm dân tộc. Liên Xô là quốc gia có trên 100 dân tộc và bộ tộc cùng bình đẳng, đoàn kết phấn đấu vì mục đích chung là xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Nơi mà trước kia được xem là “nhà tù của các dân tộc”, hơn 100 dân tộc và bộ tộc đã được tự do. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một thể chế dân chủ, một chế độ dân chủ bảo đảm quyền bình đẳng, tự quyết, đoàn kết giữa các dân tộc đã sinh thành. Đây là thành tựu vĩ đại về thực hiện chính sách dân tộc của nền dân chủ Xô Viết, là kiểu mẫu giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia có nhiều dân tộc theo tinh thần khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn

(Khoa Lý luận chính trị - Trường ĐH Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.