Mùa Xuân của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Thế hệ trẻ hôm nay phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin của đất nước, của nhân dân. Trong những ngày đầu năm mới, hãy cùng lắng nghe tâm sự về dự định cống hiến, của những người đang dệt nên mùa xuân…
* Em Nguyễn Thị Hạnh, lớp 12A14, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột:
“Em mơ ước được trở thành cô giáo để mang kiến thức đến với học sinh ở những vùng khó khăn ”
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hàng ngày chứng kiến Mẹ tần tảo sớm hôm bên sạp trái cây, Ba dãi nắng dầm mưa chạy từng cuốc xe ôm kiếm tiền nuôi các con ăn học, 2 chị em em chỉ biết động viên nhau học tập thật tốt để ba mẹ vui lòng. Suốt những năm học ở bậc THCS, em luôn giữ vững danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc, năm lớp 9 em được công nhận học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Bước vào bậc THPT, hai năm học lớp 10, 11 em đều là học sinh giỏi của trường, năm lớp 11 em đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh và là 1 trong 2 học sinh của tỉnh được nhận học bổng “Ngăn dòng bỏ học”. Từ đầu năm học lớp 12 đến nay, em vẫn giữ vững điểm số các môn học như năm học trước. Với vai trò là lớp phó học tập, ngoài việc nỗ lực học tốt, em còn tranh thủ thời gian trao đổi bài vở hướng dẫn các bạn làm những bài tập khó.
Em mơ ước sau này trở thành một giáo viên để mang kiến thức đến với học sinh ở những vùng khó khăn, giúp các em rút ngắn khoảng cách học tập với học sinh ở khu vực thành thị. Và để thực hiện ước mơ ấy, hiện tại em luôn cố gắng học đều các môn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tìm hiểu, trau dồi thêm các kiến thức nâng cao ở các môn tự nhiên làm hành trang trở thành sinh viên ngành sư phạm Hóa trong năm học tới.
* Chị Lê Minh Ngọc, cán bộ chuyên trách Công đoàn ngành Giao thông vận tải, Liên đoàn Lao động tỉnh:
“Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi mỗi bệnh nhân được cứu sống nhờ những giọt máu hồng của mình”
Xuất phát từ khao khát được sẻ chia giọt máu quý giá của mình cho những bệnh nhân nghèo, những người không may bị tai nạn cần tiếp máu, ngay từ thời còn là sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tôi tham gia hiến máu nhân đạo. Từ năm 2003 đến nay tôi đã tham gia 9 lần hiến máu do đoàn trường, tỉnh đoàn nơi công tác phát động, và cả những lần gọi điện “đột xuất” của Khoa Truyền máu và huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi thấy hiến máu vừa tốt về thể chất vừa vui về tinh thần bởi mình đã làm được việc có ích cho xã hội. Với tôi, mỗi lần tham gia hiến máu đều để lại những cảm xúc riêng, nhưng đáng nhớ nhất là 2 lần tiếp máu cho bệnh nhân tại bệnh viện: Lần đầu tiên là khi đang làm việc ở cơ quan, nhận được điện thoại từ Khoa Truyền máu và huyết học báo có cháu bé đang cấp cứu cần một lượng máu nhóm B, tôi xin phép cơ quan rồi lập tức đến bệnh viện để tiếp máu. Lần thứ 2 khi bệnh viện báo tin có người vừa bị tai nạn giao thông cùng nhóm máu với tôi đang trong cơn nguy kịch do thiếu máu trầm trọng, tôi đã không ngần ngại chia sẻ... Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi mỗi bệnh nhân được cứu sống nhờ một phần máu của mình. Tôi mong muốn những gì mình cho đi sẽ mang lại niềm vui và hy vọng cho người khác, đặc biệt với những người đang cận kề giữa sự sống và cái chết. Vì lẽ đó, tôi sẽ luôn sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người.
* Anh Nguyễn Văn Nguyên, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng:
“Không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm giàu”
Măc-ca là cây trồng mới đối với người dân Dak Lak, bởi vậy dù hiệu quả kinh tế của nó rất cao nhưng ít người dám trồng thử nghiệm. Gia đình tôi bắt đầu trồng cây măc-ca từ năm 2004, sau hơn 4 năm cây cho thu hoạch, kết quả ngoài sự mong đợi, hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Tiếng lành đồn xa, mỗi năm có nhiều tập thể và cá nhân đến tham quan mô hình trồng cây măc-ca của gia đình tôi. Với kinh nghiệm học hỏi từ cha mình từ thực tế sản xuất và kiến thức qua các đợt tham gia khóa học ghép cây do Bộ NN-PTNT tổ chức, tôi sẵn sàng chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo để có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Trong 2 năm 2011-2012, tôi đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn hàng chục lượt người trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây măc-ca. Đối với đoàn viên thanh niên tại địa phương và các xã lân cận, tôi trực tiếp đến tận nơi “cầm tay chỉ việc” từ cách đào bồn cho đến kỹ thuật trồng. Sau mỗi lần hướng dẫn, tôi lại rút ra bài học, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhờ đó có nhiều sáng tạo hơn trong công việc. Thời gian tới tôi tập trung nhân giống cây măc-ca với mong muốn cung cấp nguồn giống bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý cho người dân tại địa phương. Hy vọng trong tương lai cây măc-ca sẽ là loại cây xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân ở địa phương.
* Cô giáo Vũ Thị Minh Hằng, Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột:
“Sẽ áp dụng thêm phương pháp mới để nâng cao hiệu quả dạy học”
Hơn 10 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, yêu thương học trò, tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người giáo viên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Là một trong mười người đại diện cho ngành giáo dục Dak Lak tham dự “Giao lưu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia hệ tiểu học” tổ chức tại Hà Nội tháng 11-2012 vừa qua, tôi được dự giờ thăm lớp và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, phương pháp dạy học mới như: mô hình trường học kiểu mới, dạy học bằng phương pháp bàn tay nắn bột… Thời gian tới, tôi sẽ tăng cường áp dụng các hình thức dạy học tiên tiến phù hợp với điều kiện của trường như: tổ chức hoạt động nhóm bằng kỹ thuật khăn trải bàn, trang trí lớp học… Điều này sẽ tạo không khí thân thiện, tích cực, giúp học sinh có hứng thú học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, là cán bộ công đoàn phụ trách nữ công của trường, tôi luôn quan tâm, động viên chị em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham gia tích cực các phong trào thi đua của trường, ngành...
* Anh Y Miên Niê, Buôn Ea Yông B, xã Ea Yông, huyện Krông Pak:
“Mở rộng sản xuất để tăng thu nhập gia đình và giúp đoàn viên thanh niên làm kinh tế”
Nhiều năm tham gia công tác Đoàn, tôi ý thức sâu sắc hơn vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Là bí thư chi đoàn thanh niên của buôn, với đặc thù phần lớn đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số, đời sống chưa cao, nhận thức có phần hạn chế, tôi luôn cố gắng kết nối các bạn trẻ qua phong trào Đoàn, giúp nhau cùng tiến bộ. Qua tham quan học hỏi, tôi đã xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả với gần 3 ha đất trồng cà phê, lúa, bắp và chuồng trại nuôi bò, heo. Năm 2012, tôi vinh dự được UBND tỉnh tuyên dương điển hình “Thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì phong trào đoàn sôi nổi, mở rộng quy mô sản xuất để vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên trong buôn. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để các bạn áp dụng hiệu quả nhằm cải thiện đời sống.
* Thạc sĩ Lê Đăng Khoa, Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
“Gắn cuộc đời với nông dân để tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời giúp bà con tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”
Gắn với đồng ruộng từ thuở ấu thơ nên tôi hiểu bao vất vả, khó nhọc của bà con nông dân khi cây trồng bị các loại côn trùng phá hoại. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã “nguyện” gắn cuộc đời mình với người nông dân để bảo vệ cây trồng, mang lại mùa màng bội thu. Tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội), tôi lên Tây Nguyên lập nghiệp, gắn bó với cây cà phê và người nông dân từ đó cho đến nay. Qua trò chuyện cùng người trồng cà phê, tôi nhận thấy phần lớn người nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm, ít ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất ít lưu tâm các giống cây trồng có khả năng kháng bệnh. Trước thực trạng cây cà phê thường bị các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại, làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm, hơn 10 năm qua tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu thực hiện một số đề tài như “Chọn tạo dòng cà phê có khả năng kháng cao đối với loài tuyến trùng gây hại chính dùng làm gốc ghép cho các giống cà phê chè và cà phê vối thương mại”, “Biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong tái canh cà phê vối ở Tây Nguyên”, “Ứng dụng và chuyển giao biện pháp phòng trừ tổng hợp hội chứng vàng lá trên cây cà phê vối”. Những đề tài này được đánh giá cao và được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Thời gian tới, tôi và đồng nghiệp sẽ cùng với người nông dân tìm cách tái tạo diện tích cà phê già cỗi bằng những giống cây có khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Tôi tin là sẽ thành công…
* Anh Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên phó Đại đội bộ binh (c2), BCH Quân sự huyện Ea Súp:
“Nắm chắc chủ trương, chính sách, chủ động tham mưu kịp thời”
Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị, tôi đã nghiên cứu nắm vững các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên; chủ động trao đổi, bàn bạc thống nhất các nội dung tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng; xây dựng các nghị quyết chuyên đề và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự hàng năm; cùng với chỉ huy đơn vị soạn thảo chuẩn bị đầy đủ các giáo án, phân công cụ thể việc báo cáo các chuyên đề; kịp thời đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo sát đúng, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị. Công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đối với tân binh thực sự chuyển biến, chất lượng huấn luyện quân sự, chính trị hàng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 90% đạt khá, giỏi.Từ năm 2009-2012, đơn vị luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, danh hiệu Quyết thắng.
Tôi cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, hoàn cảnh gia đình của cán bộ, chiến sĩ, qua đó kịp thời chia sẻ, động viên, cùng chỉ huy đơn vị tìm cách tháo gỡ khó khăn để anh em yên tâm công tác. Ngoài ra, tôi cùng chỉ huy và toàn đơn vị chủ động kết hợp huấn luyện với thực hiện các phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã tham gia hàng trăm ngày công giúp các hộ gia đình khó khăn sửa sang nhà cửa, làm mùa, làm đường và nạo vét kênh mương. Cùng với việc làm tốt công tác dân vận, với trách nhiệm, tình cảm đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng năm vào các dịp lễ tết, tôi cùng đơn vị tích cực tham gia các chương trình, hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và công tác hậu phương quân đội…
* Anh Y Tuyên Du, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Bông Krang, huyện Lak:
“Phải biết lắng nghe và phản hồi ý kiến người dân đã gửi gắm”
Bông Krang là một xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, có nhiều dân tộc anh em chung sống; đời sống mọi mặt của người dân còn khó khăn, trình độ văn hóa trong đoàn viên, thanh niên không đồng đều…đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Đoàn.
Để tạo được uy tín trong thôn buôn, đặc biệt là với thanh niên, tôi đã thực hiện lối sống gần gũi, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng và đặc biệt là phải chủ động phản hồi lại những ý kiến mà người dân đã phản ánh, gửi gắm. Trong sinh hoạt hàng ngày, mình phải hòa đồng, “3 cùng” nắm bắt tâm lý từng người, từng lứa tuổi, từ đó có phương pháp vận động, truyền đạt thích hợp; trong công việc, tôi luôn gương mẫu đi đầu. Từ khi đảm nhận vai trò “thủ lĩnh”, tôi mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lak vay vốn cho các hộ gia đình hội viên, đoàn viên thanh niên đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, đã có nhiều đoàn viên của xã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, vươn lên thoát nghèo.
* Sinh viên Võ Thị Mỹ Trâm, Sư phạm Toán K2009, Trường Đại học Tây Nguyên
Tuổi trẻ phải biết “dấn thân”
Là sinh viên, bất kỳ ai cũng mong muốn sau khi ra trường có một công việc ổn định. Tuy nhiên, ước mơ sẽ chỉ là ước mơ nếu như ta không làm gì đó, không hành động mà cứ ngồi chờ những điều tốt đẹp đến với mình. Hiện nay rất nhiều sinh viên sau khi ra trường (đa số sinh viên ngành sư phạm) đều gặp khó khăn khi đi xin việc. Nguyên nhân có phần do nhiều người chỉ thích được làm việc ở khu vực trung tâm, khu đông dân cư, ít ai dám “dấn thân” lên vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn để công tác. Do đó con đường “vào đời” của sinh viên trở nên gập ghềnh hơn bao giờ hết, gây gánh nặng cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tôi quan niệm rằng: sinh viên mới ra trường nên cống hiến sức trẻ để giúp người dân vùng khó khăn, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần! Vì thế, tôi luôn ấp ủ ước mơ làm người “đưa đò” cho học trò vùng gian khó. Giờ đây, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ra trường, tôi đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa ước mơ của mình. Một ngày nào đó tôi sẽ là cô giáo, mang lại niềm tin và giữ lửa cho những ước mơ của lớp lớp học trò!
Nhóm phóng viên (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc