Multimedia Đọc Báo in

Những dấu ấn nghĩa tình trong hợp tác Việt – Lào

23:04, 10/02/2013

Nghĩa tình Việt – Lào thủy chung son sắt. Cùng với nhiều hoạt động của hai Đảng, hai Nhà nước, Dak Lak cũng đã có những đóng góp tích cực, vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào thông qua các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và đào tạo...

“Điểm sáng” của tình hữu nghị

Triển khai thực hiện từ năm 2005, vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay Dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Dak Lak tại 4 tỉnh Nam Lào với tổng vốn 50 triệu USD đã bước đầu mang lại hiệu quả, phủ xanh nhiều triền núi, cao nguyên của nước bạn Lào. Bà Nguyễn Thị Hải, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, thành công của dự án chính là lòng quyết tâm vượt khó, vượt khổ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty cùng sự hợp tác, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nơi dự án triển khai. Ai đã gắn bó với dự án từ những ngày đầu tiên không thể nào quên những ngày tháng gian khổ khi đối mặt với tình trạng thiếu thốn vật chất, cơ sở hạ tầng yếu kém, khí hậu khắc nghiệt, nắng thì nóng đến cháy da cháy thịt, mưa thì lầy lội. Và thành quả của sự kiên trì thực hiện “3 cùng” với người dân bản địa chính là những cánh rừng cao su bạt ngàn phủ xanh vùng đất hoang năm xưa. Trong số gần 9.000 ha cao su đã trồng, đến nay có gần 4.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng mủ bình quân đạt 10 tấn/ngày, trong năm 2012, sản lượng thu hoạch đạt 1.435 tấn mủ quy khô. Cũng trong năm 2012, Công ty đã xuất bán trên 927 tấn mủ, doanh thu đạt trên 2,3 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, Dự án đầu tư phát triển cao su tại Lào đã từng bước biến vùng đất rừng nghèo nàn lạc hậu thành những nông trường cao su xanh tốt bạt ngàn, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tiên tiến, tạo việc làm và thu nhập cho người dân bản địa. Hiện Công ty có 1.502 CBCNV đang làm việc tại Lào, trong đó gần 80% là người bản địa. Mức lương bình quân của khối công nhân sản xuất trực tiếp từ 1.500-2.500 kip/người/tháng (tương đương 4 triệu-6,5 triệu đồng/tháng). Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện và các công trình phúc lợi như nhà ở, trường học, trạm xá đã được đầu tư đồng bộ, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đến nay, Công ty đã xây dựng 2 trường tiểu học cho bản Laongam của tỉnh Salavan và bản May của tỉnh Champasak, 4 trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của con em người dân bản, từ năm 2010 đến nay, Công ty đã trao 1.259 suất học bổng cho các trẻ em nghèo học giỏi. Riêng trong năm 2012, Công ty đã hỗ trợ cho trường học Soong Hoong Nọi 20 triệu kíp (53 triệu đồng); hỗ trợ Phòng Giáo dục huyện Lào Ngam 2 triệu kíp (5,3 triệu đồng); tặng trường học bản Noong Ké 119 triệu kíp (315 triệu đồng) để xây dựng nhà nội trú cho học sinh và sinh viên, giáo viên của trường… Kể từ ngày hoạt động dự án đến nay, tổng nguồn kinh phí đơn vị đã hỗ trợ  cho công tác xã hội tại địa phương là 4,5 tỷ kip (12 tỷ đồng).

Sự quan tâm đầu tư khá toàn diện đó đã thể hiện sự gắn bó và quyết tâm đầu tư lâu dài của dự án, tạo niềm tin cho chính quyền và người dân Lào. Những thành công bước đầu của dự án cao su trên đất Lào không chỉ đem lại lợi ích, hiệu quả về kinh tế mà còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, vun đắp thêm tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc anh em Việt – Lào.

Giúp nước bạn Lào đào tạo nguồn nhân lực

Những ngày cuối năm, thấy các bạn Việt Nam háo hức chuẩn bị về đón Tết cổ truyền, Bun Ná Khămson và Bun Tha Nóm Xay Sút Thi Sak hiện đang học ngành Quản lý đất đai của Trường Đại học Tây Nguyên cũng vui lây và xốn xang không kém. Cũng đúng thôi vì không chỉ bố mẹ, anh chị em mà hai bạn còn có gia đình nho nhỏ, là vợ và những đứa con thơ ngóng chờ. Với cô gái Lòng Sin Sutthavilay Sin Nân, đang theo học ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường thì lưỡng lự, chưa biết có về nước hay không vì các bạn trong lớp mời ở lại ăn Tết Việt nhiệt tình quá. Dù sao thì năm nay là năm cuối nên Sutthavilay cũng muốn ở lại thưởng thức Tết Việt một lần cho biết. Nhưng trước khi bước vào kỳ nghỉ dài ngày dịp Tết Nguyên đán, nhiệm vụ quan trọng mà cả ba sinh viên Lào đều ở tỉnh Champasak này đặt ra là phải quyết tâm thi học phần thật tốt.

Những sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Tây Nguyên. (Ảnh: Đ.T)
Những sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Tây Nguyên. (Ảnh: Đ.T)

Vậy mà thấm thoắt cũng đã gần 4 năm gắn bó với mái trường Đại học Tây Nguyên, nhớ lại những ngày mới đặt chân sang Việt Nam, bạn nào cũng lo lắng, môi trường sống, thức ăn, phong tục tập quán là một chuyện, lo nhất là bất đồng về ngôn ngữ. Kỳ đầu tiên của khóa học có thể coi là bước làm quen. Nhưng hết năm thứ nhất, tất cả lưu học sinh Lào đều có thể nói, đọc và viết tiếng Việt tương đối thành thạo. Sự quan tâm đặc biệt của các giảng viên cũng như được các bạn trong lớp đã giúp họ tự tin hơn mỗi giờ lên lớp. Ngoài giờ học, thỉnh thoảng ngày nghỉ cuối tuần, họ lại có dịp được về nhà của các bạn Việt Nam chơi, hiểu và biết thêm nhiều vùng đất, nhiều nét sinh hoạt văn hóa thú vị. Vui và ấn tượng nhất là về một số buôn ở huyện Buôn Đôn, họ như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình khi hầu hết mọi người đều nói tiếng Lào và còn chế biến rất nhiều món ăn truyền thống của người Lào. Việt Nam có Tết Nguyên đán, nước bạn Lào có Tết cổ truyền Bunpimay diễn ra trong suốt tháng thứ 5 của Phật lịch (từ ngày 14 đến 16-4 hằng năm). Dù không được nghỉ học nhưng những ngày này, nỗi nhớ nhà của các lưu học sinh Lào được chia sẻ khi họ nhận được những lời chúc mừng từ các thầy cô giáo, các bạn trong lớp; được vui những bữa tiệc nho nhỏ rồi thực hiện nghi thức té nước, buộc chỉ vào cổ tay cầu chúc mọi điều may mắn trong năm mới cho bạn bè, những người mình yêu quý, được múa điệu múa truyền thống Lăm vông của dân tộc mình...

Bắt đầu từ năm 2009, Trường Đại học Tây Nguyên đã tiếp nhận đào tạo cử nhân, thạc sĩ cho một số sinh viên, học viên Lào. Số lượng bước đầu đến thời điểm hiện nay là 6 sinh viên, học viên, trong đó có 2 học viên học chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi và 4 sinh viên theo học các chuyên ngành: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi thú y. Trong quá trình học tập ở đây, nhà trường luôn quan tâm từ việc học tập đến chỗ ăn ở, sinh hoạt nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho các lưu học sinh Lào khi ở Việt Nam. Một ký túc xá khang trang, sạch sẽ, thoáng mát dành riêng cho sinh viên Lào và Campuchia đã được xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết trong phòng ở.

“Sống ở Việt Nam cũng giống như ở nhà mình”, lời tâm sự của các bạn sinh viên Lào trước lúc chia tay khiến chúng tôi cứ vui mãi...

Phụ nữ Việt – Lào: Bền chặt tình chị em một nhà

Trong lịch sử truyền thống cũng như xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, hai nhà nước Việt-Lào, các thế hệ phụ nữ hai nước đã có những đóng góp quan trọng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã khẳng định: Phụ nữ hai nước Việt - Lào như chị em một nhà, giúp đỡ lẫn nhau nhiều trong quá khứ cũng như hiện tại và trong tương lai, sự đoàn kết giúp đỡ đó sẽ tiếp tục được phát huy.

Dak Lak cũng là một tỉnh có nhiều người Lào sinh sống, lúc đầu họ đến để giao thương hàng hóa như trao đổi trâu, voi… với các buôn làng ở Dak Lak, sau đó nhiều người Lào đã ở lại buôn bán, lập gia đình với người dân tộc thiểu số bản địa và định cư luôn tại vùng đất này. Chính vì vậy, nơi đây người Lào được xem là một dân tộc anh em và văn hóa, ngôn ngữ Lào cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Về huyện Buôn Đôn, nơi trước kia có đông người Lào đến làm ăn, buôn bán, chúng tôi rất khó phân biệt đâu là người Êđê, M’nông, Lào bởi các dòng máu này phần lớn đã hòa làm một từ bao thế hệ con cháu. Đây cũng là minh chứng cho sự gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Lào. Và để củng cố, thắt chặt quan hệ láng giềng thân thiết và giúp nhau cùng tiến bộ, mới đây Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Dak Lak và Hội LHPN 4 tỉnh Nam Lào, gồm: Chămpasăk, Salavan, Atapư, Sêkông đã ký thỏa thuận hợp tác vì hòa bình và phát triển giai đoạn 2012-2017. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Lộc đã bày tỏ: Việc ký các nội dung hợp tác giữa hội phụ nữ hai bên và các hoạt động giao lưu đã nâng mối quan hệ này lên một tầm cao mới, thắt chặt tình hữu nghị chung giữa hai dân tộc Việt-Lào, những người vừa là đồng chí vừa là chị em càng trở nên sâu sắc, đậm đà hơn. Mặc dù các hoạt động giao lưu, ký kết hợp tác diễn ra chưa nhiều nhưng hai bên cũng đã trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác Hội, hoạt động xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, mô hình phụ nữ phát triển kinh tế gia đình... Tại buổi giao lưu với Hội Phụ nữ xã Ea Tul (Buôn Ma Thuột), Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Chămpasăk, bà Nick Khăm Báu Si Souk đã rất thích mô hình “câu lạc bộ phụ nữ thế kỷ 21” của tỉnh nên mong muốn Hội Phụ nữ tỉnh Dak Lak sẽ hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ các tỉnh bạn Lào và thành lập những mô hình phụ nữ như tỉnh Dak Lak.

Một trong những nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Hội LHPN các tỉnh Lào và Dak Lak là phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hai bên; hợp tác trong phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; chia sẻ kiến thức, kỹ năng, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nhằm giúp phụ nữ ổn định cuộc sống; … Để thực hiện tốt điều này, các cấp hội phụ nữ của tỉnh đã đưa nội dung trên vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của phụ nữ với nhiều hình thức tuyên truyền như: văn nghệ, tiểu phẩm, đọc sách báo…

Năm 2013, dự kiến Hội LHPN tỉnh Dak Lak sẽ sang thăm các tỉnh bạn Lào để giao lưu, chia sẻ trong công tác hội và sẽ tiếp tục hợp tác theo hướng ngày càng đi vào hoạt động chiều sâu với nội dung thiết thực và hiệu quả.

Lê Hương – Đàm Thuần – Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc