Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Cần lưu ý cả về bố cục và nội dung của Hiến pháp
Sau khi nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
I/ Về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp:
- Bố cục Chương của dự thảo vẫn còn bất hợp lý. Cụ thể: Chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương phải là một thể thống nhất, từ trên xuống dưới, và nhánh quyền hành pháp từ trung ương xuống địa phương không nên tách rời nhau, nhưng theo dự thảo thì Chương VII chính quyền Trung ương (là Chính phủ), tiếp theo là chương VIII cơ quan tư pháp (TAND, VKSND) rồi mới đến chương IX (chính quyền địa phương). Do đó cần xếp chương chính quyền địa phương (chương IX) vào chương VIII, và đặt chương Cơ quan tư pháp (chương VIII) vào vị trí chương IX mới phù hợp.
- Dự thảo Hiến pháp có thêm một chương riêng (chương X) quy định về một số cơ quan do Quốc hội thành lập (gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử, Kiểm toán Nhà nước). Trước đây chưa có nội dung của chương này thì Hội đồng quốc phòng và an ninh đặt tại chương Chủ tịch nước là phù hợp, nhưng nay đã có chương riêng thì Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định tại Điều 94, thuộc Chương VI cần chuyển vào chương X cho phù hợp.
- Từ ngữ ở các Điều thể hiện chưa có sự thống nhất (VD: Điều 23 “…do pháp luật quy định”, Điều 69 “…do luật định”, v.v…). Vì vậy nên sử dụng cụm từ “do pháp luật quy định” để có sự thống nhất chung. Mặt khác, Pháp luật bao gồm cả Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư v.v... Trong khi đó tại một số Điều vẫn quy định phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật”, nếu dùng thêm cả từ “Hiến pháp" trong trường hợp như vậy là thừa.
- Về cơ cấu Điều, khoản: Các Điều được sửa đổi, bổ sung hầu hết được cấu tạo theo các khoản 1, 2, 3…, vậy nhưng một số Điều được giữ nguyên mặc dù có nhiều đoạn, và mỗi đoạn quy định tương tự như một khoản độc lập, nhưng vẫn không được chia theo từng khoản để phù hợp chung với các Điều đã được sửa đổi bổ sung hoặc các Điều mới, nên không thống nhất.
Kiến nghị: Tại các Điều có thể không chia từng khoản mà chỉ viết các đoạn như bản Hiến pháp hiện hành. Trường hợp quy định từng khoản ở các Điều thì Điều nào cần có các khoản thì cần dùng khoản 1, 2, 3,... cho thống nhất. Khi quy định các khoản ở các Điều như dự thảo thì nên đặt tên cho từng Điều.
- Dự thảo đã bỏ mất một số vấn đề quan trọng không đưa vào (như Điều 41 của Hiến pháp hiện hành về quy định giáo dục thể chất bắt buộc…, hoặc Điều 25 của Hiến pháp hiện hành quy định về khuyến khích đầu tư nước ngoài).
II/ Góp ý vào các điều khoản cụ thể:
- Về Điều 2 đoạn 1:
Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là còn bỏ sót, nên không phù hợp. Bởi lẽ: với nền kinh tế nhiều thành phần như hiện nay, đã và đang có nhiều giai cấp, tầng lớp khác tồn tại ngoài giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Chẳng hạn, hiện chúng ta vẫn đang vinh danh các chủ doanh nghiệp làm ăn giỏi. Do đó, đã liên minh thì phải liên minh toàn bộ các giai tầng trong xã hội. Vì vậy, đề nghị lấy nguyên văn của Điều 6 dự thảo chuyển sang điều này và viết lại đoạn này như sau: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
- Về Điều 13:
Cần quy định thêm về Quốc hiệu.
Quốc hiệu nên ghi cả 2 câu là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như từ trước đến nay vẫn dùng, hay là chỉ ghi “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng cần minh định rõ trong Hiến pháp.
- Về điều 15 khoản 2:
Nên bỏ khoản 2 Điều 15. Quy định về giới hạn quyền đặt ở khoản 2 Điều 15 là không hợp lý, vì sẽ được hiểu là nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các quyền hiến định nên dễ có nguy cơ bị lợi dụng để tùy tiện giới hạn, vi phạm các quyền con người, quyền công dân.
- Về Điều 16 khoản 1:
Con người thực hiện nhiều hành vi, trong đó có những hành vi làm trái pháp luật. Do đó tại khoản này cần thêm cụm từ “hợp pháp” sau từ “quyền” và viết lại như sau:
“1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền hợp pháp của người khác”.
- Về Điều 21:
Quyền sống là quyền quan trọng nhất của con người. Do đó, cần phải quy định quyền này trong Hiến pháp để Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền sống cho người dân, vì nguy cơ chết chóc do tai nạn, do bệnh tật hiện nay đối với người dân khá cao. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng án tử hình đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc khi chiến đấu thì phải giết giặc ngoại xâm… Mặt khác, đã có nhiều trường hợp buôn bán, mua bán người xảy ra, do đó điều này cần bổ sung và viết lại như sau:
“1. Mọi người đều có quyền sống, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”.
2. Mọi hành vi mua bán người, bắt người khác làm nô lệ, nô dịch đều bị nghiêm trị theo pháp luật”.
- Về Điều 39 khoản 2.
Nên bỏ đoạn “bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” để đảm bảo sự bình đẳng vợ chồng được nêu tại khoản 1 của điều này.
- Về Điều 42
Vì dự thảo đã bỏ mất Điều 41 của Hiến pháp hiện hành quy định về giáo dục thể chất, trong khi rèn luyện thể chất của công dân là hết sức quan trọng. Vì vậy, tại điều này cần bổ sung và viết lại như sau:
“1. Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập và rèn luyện thể chất.
2. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để công dân học tập và rèn luyện thể chất”.
- Về Điều 44.
Quy định mọi người có quyền “sử dụng các cơ sở văn hóa” là không thể thực hiện được.
- Về Điều 45.
Cần bổ sung thêm quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ các dân tộc thiểu số bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình.”
- Về Điều 50.
Cần sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau:
“Mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật”
- Về Điều 64.
- Khoản 1 Điều 64 cần bỏ đoạn “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước” vì câu này mang tính hô hào khẩu hiệu chứ không phải là luật.
- Khoản 2 Điều 64: cần thêm cụm từ “Nhà nước có chính sách” vào đầu khoản này, và viết là: “2. Nhà nước có chính sách phát triển văn học, nghệ thuật…”
- Về Điều 83 (mới).
Nên bỏ Điều này, nội dung của Điều này chỉ cần quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội là được. Và trong Luật tổ chức Quốc hội có thể quy định Quốc hội có quyền lập thêm các ủy ban khác để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
- Về chương VI Chủ tịch nước (từ Điều 91 đến Điều 98).
Nên quy định Chủ tịch nước do cử tri trực tiếp bầu và bầu theo nhiệm kỳ của Quốc hội, và Chủ tịch nước là đại biểu Quốc hội đương nhiên, một người chỉ được làm Chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ. Cần quy định rõ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước phải xứng với vị trí của nguyên thủ quốc gia...
- Về Điều 94.
Nên chuyển Điều này sang chương X (như trên đã góp ý về chương X).
- Về Điều 101 khoản 4.
Cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Chính phủ như sau: “Thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia tiết kiệm, có hiệu quả”.
- Về Điều 108 khoản 7.
Cần bổ sung và viết lại như sau: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được tôn trọng và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.
- Về Điều 109 khoản 3.
Cần bổ sung như sau: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ trong xét xử”.
- Về Điều 120.
Quy định Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu và đề nghị nhưng không quy định Hội đồng Hiến pháp được quyền “phán quyết” để đưa ra chế tài buộc cá nhân, cơ quan có hành vi vi hiến, hoặc ban hành văn bản có nội dung vi hiến phải chịu trách nhiệm thì Hội đồng Hiến pháp sẽ không có thực quyền.
Đề nghị: Cần quy định Hội đồng Hiến pháp được quyền quyết định xử lý đối với các trường hợp vi phạm Hiến pháp.
- Về Điều 121.
Nên bỏ Điều này, vì đã quy định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia trong Hiến pháp thì đương nhiên là phải thành lập và hoạt động liên tục, sẽ tăng biên chế, gây lãng phí không cần thiết, vì từ trước tới nay Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ thực hiện xong nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử Hội đồng nhân dân xong là hết việc và không còn tồn tại.
- Về Điều 122.
Không cần phải quy định Ủy ban dự thảo Hiến pháp trong Hiến pháp, nên quy định Ủy ban này thuộc về “các ủy ban khác của Quốc hội”, do Quốc hội thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nhất định tại Luật tổ chức Quốc hội là được. Do đó, nên bỏ cả khoản 2 và khoản 3 của điều này.
Nên bỏ cụm từ “dự thảo” tại khoản 4 của Điều này vì quy định như vậy là không phù hợp.
Luật sư Chu Đức Lưu (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Dak Lak)
Ý kiến bạn đọc