Multimedia Đọc Báo in

Nhà nước thống nhất quản lý và tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên

16:27, 28/03/2013

Chương III của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) dành các Điều 57 và Điều 58 được sửa đổi bổ sung trên cơ sở các Điều 17 và Điều 18 đã hiến định rõ những nội dung liên quan đến việc quản lý, tổ chức khai thác một cách thống nhất, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.

Trong đó Điều 57 nêu rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.”. Và Điều 58 có nội dung: “1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật.  2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.  3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.”.

Như vậy về mặt quan điểm, Dự thảo đã nêu rõ, các nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia “là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Đây là quan điểm hết sức đúng đắn, là hành lang pháp lý cơ bản để xây dựng những luật, bộ luật và văn bản dưới luật nhằm hướng đến mục tiêu quản lý, tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hiến pháp năm 1992 mặc dù đã có những điều khoản quy định về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên. Đồng thời, cùng với Hiến pháp, Nhà nước đã ban các Luật, quy định dưới luật để quản lý nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng…, nhưng thực tế diễn biến của đời sống xã hội cho thấy, việc quản lý tài nguyên lâu nay vẫn bị buông lỏng, luật pháp cùng những quy định dưới luật còn nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng và vi phạm. Dẫn tới một thực trạng đáng lo ngại đó là, tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về quản lý và khai thác tài nguyên diễn ra khá phổ biến. Nhất là những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai; về quản lý, khai thác tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản. Thậm chí theo kết quả điều tra, thống kê của các cơ quan chức năng, cho thấy: nạn tham nhũng trên lĩnh vực đất đai đã và đang trở thành điểm nóng trên phạm vi toàn quốc; tình trạng tàn phá, khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản xảy ra ở nhiều nơi; tỷ lệ vụ việc khiếu kiện, tranh chấp kéo dài, khiếu kiện tập thể liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số những vụ việc.

Dự thảo nêu những vấn đề về quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên theo tôi các Điều 57 và 58 nên sửa cho đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Điều 57 nên có nội dung: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và những tài nguyên thiên nhiên khác; nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, tổ chức khai thác có hiệu quả theo quy định của pháp luật.”. Ở đây cần thêm các từ in đậm là bởi, cần phải đưa “tài nguyên rừng” vào nội dung, bởi rừng cần được xác định là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu của quốc gia. Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ “rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ thì rừng rất quý”. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ và hạn hán đe dọa ngày một nghiêm trọng, thì vấn đề bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng một cách có hiệu quả càng phải được quan tâm và được hiến định và luật định một cách cụ thể. Thêm cụm từ “tổ chức khai thác có hiệu quả” nhằm cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Nhà nước, ở đây đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lợi của quốc gia đã được xác định là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, mới nói được một ý đó là “quản lý”, mà đã là tài nguyên chỉ quản lý không thôi, sẽ không biến tài nguyên trở thành nguồn lực sinh động phục vụ phát triểnkinh tế - xã hội được. Vì vậy, trong trường hợp này nên bổ sung Nhà nước “tổ chức khai thác có hiệu quả” theo quy định của pháp luật các nguồn tài nguyên sẽ đầy đủ hơn và càng làm rõ hơn vai trò Nhà nước.

Về nội dung Điều 58 nên sửa như sau:

- Khoản 1 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và tổ chức khai thác theo quy hoạch.”. Sửa như thế sẽ rõ nghĩa hơn, bởi nếu để cụm từ “quản lý theo quy hoạch và pháp luật” sẽ không rõ ràng, và rất khó hiểu “thế nào là quản lý theo quy hoạch?”.

-Khoản 2, nên bỏ cụm từ “đất để sử dụng ổn định”, vì trùng lặp; thay từ “hợp lý” bằng “hiệu quả” cho rõ nghĩa hơn, vì sử sụng đất thế nào là hợp lý thì thật khó lý giải; và thay từ “luật” bằng từ “pháp luật”, đồng thời thêm cụm từ “của tổ chức và cá nhân” ở câu cuối cho đúng về mặt ngôn từ. Và nội dung Khoản 2, như sau: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác có hiệu quả, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản của tổ chức và cá nhân được pháp luật bảo hộ. 

- Khoản 3 nên sửa lại như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.”. Ở đây nên thay cụm từ “lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” bằng cụm từ “tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai” cho thống nhất với nội dung được nêu tại Khoản 3, Điều 56. Mặt khác, nếu để quy định Nhà nước thu hồi đất cho “lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” thì quá rộng, và chưa chắc đã thể hiện rõ vấn đề “thật cần thiết”. Bởi, bản thân các tổ chức, cá nhân được Nhà nước “giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn” cũng đang sử dụng vào những mục đích “cần thiết” và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nếu để quy định thu hồi đất cho “lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng hiến định để thu hồi vô tội vạ, như đã từng xảy ra, gây thiệt hại cho người có quyền sử dụng đất, gây bức xúc cho xã hội và phát sinh nhiều hệ lụy khác.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.