Cán bộ, đảng viên nêu gương: Khơi dậy sức sống ở cơ sở
Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích cộng đồng, ngày qua ngày họ lặng lẽ đóng góp công sức cùng chăm lo xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Người chủ nhiệm hết lòng vì tập thể
Ông Nguyễn Văn Phúc (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã. Ảnh: N.H |
Gắn bó với vùng đất xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng hiểu rất rõ vùng đất và con người nơi đây. Vì vậy ông luôn trăn trở tìm biện pháp để cây cà phê mang lại ấm no cho bà con nông dân. Năm 2008, ông và một số hộ dân có cùng sở thích đã thành lập Tổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm canh tác cà phê tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, bảo đảm tối đa lợi ích của người nông dân từ loại cây trồng này. Năm 2011 ông Phúc bàn bạc, thống nhất với các thành viên Ban quản lý tổ hợp tác thành lập HTX để mở rộng thị trường, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh, tạo điều kiện cho xã viên tiếp cận với nguồn vốn vay…Ông Phúc cho biết, lúc đầu ông gặp không ít khó khăn chồng chất khó khăn, một phần do bà con chưa tin vào HTX, trong khi nguồn vốn eo hẹp, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều... nên liên tiếp 2 vụ cà phê năm 2010 và 2011, HTX chỉ bán được 5%-10% trong tổng số gần 400 tấn cà phê. Không nản lòng, một mặt ông Phúc tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu rõ lợi ích của việc trồng, chế biến cà phê đạt chứng nhận Fairtrade để các hộ cùng cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác, mặt khác ông tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa tiến bộ kỹ thuật vào các khâu đầu tư chăm bón, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm. Công nghệ này cho sản phẩm chất lượng cao, bởi tất cả các công đoạn như tách vỏ cà phê, sấy, sàng lọc phân loại sản phẩm và đóng gói đều được thực hiện bằng dây chuyền khép kín. Nhờ vậy, sản phẩm cà phê nhân sau khi xuất xưởng đạt chất lượng cao hơn so với những sản phẩm được chế biến khô và giá trị thu được cũng cao hơn từ 5 đến 7%. Nếu như năm 2011 doanh thu của HTX chỉ đạt 7,902 tỷ đồng, thì đến năm 2012 tăng lên 38,714 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 2,5 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Khi được hỏi về kinh nghiệm thành công, ông Phúc khiêm tốn nói: đó chính là lòng tin của bà con nông dân. Bà con tin tưởng HTX thì mới góp vốn, góp sức để cùng nhau làm giàu. Để tạo lập niềm tin, Ban quản trị, nhất là người đứng đầu phải năng động, phải biết tận dụng thời cơ, nói phải luôn đi đôi với làm”. Điều này đã được chứng minh, niên vụ 2011-2012 giá cà phê ngoài thị trường chỉ 39.000 đồng/kg, nhưng xã viên HTX bán với giá 42.000 đồng/kg, mỗi tấn cà phê, xã viên lời 3 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế khi tham gia trồng, chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn Fairtrade đem lại cho bà con nông dân rõ rệt, vì vậy xã viên gắn bó với HTX hơn, từ chỗ có 17 xã viên, đến nay đã lên đến gần 100 người.
Việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm
Bà H’Râu (giữa) đang nắm tình hình sử dụng nguồn vốn vay của tổ viên. Ảnh: L.N |
Đó là tâm sự của bà H’Râu Mlô, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar, huyện Ea Kar. Mặc dù kinh tế gia đình chỉ thuộc diện trung bình; bản thân lại mắc bệnh suy tim nhưng bà vẫn dành nhiều thời gian, công sức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; góp phần làm thay đổi suy nghĩ của các thành viên trong Tổ về việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngày mới được bầu làm Tổ trưởng (năm 2004), phần lớn số hộ vay đều bị nợ quá hạn, thì đến nay tình trạng này đã được khắc phục. Tính đến cuối năm 2012, trong tổ bà quản lý còn 49 hộ vay vốn với số tiền khoảng 623 triệu đồng thì chỉ còn 4,7 triệu đồng tiền nợ quá hạn, rơi vào 2 gia đình vay vốn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: một hộ thì người vay lẫn người thừa kế đều đã chết; hộ còn lại thường xuyên ốm đau. Không chỉ sử dụng vốn vay có hiệu quả, các thành viên trong tổ vay vốn còn tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH được khoảng 20 triệu đồng. Theo nhiều hộ vay vốn ở đây, kết quả trên chủ yếu nhờ vào công của Tổ trưởng H’ Râu. Từ khi làm Tổ trưởng đến nay, lúc nào cũng thấy bà bận rộn với công việc. Mỗi khi trong buôn có gia đình nào cần vay vốn, đủ điều kiện theo quy định là bà tích cực giúp họ thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng; sau đó bà thường xuyên đến gia đình hộ vay thăm hỏi tình hình làm ăn, nhắc nhở, động viên họ sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ. Đối với những gia đình có nợ quá hạn, bà đến nhà nhiều lần để vận động, thuyết phục. “Có những trường hợp chây ỳ, không chịu trả nợ ngân hàng mà còn nói nặng lời mỗi khi H’Râu đến vận động trả nợ. Dù vậy, chẳng bao giờ nó giận đồng bào cả, nói một lần chưa được thì nó lại tìm cơ hội khác để nói. Dần dần mọi người đã hiểu ra, đến nay thì mọi người đã ủng hộ nó hết mình. Chính nhờ nó mà nhiều hộ mới bỏ suy nghĩ lệch lạc rằng, vốn vay từ ngân hàng chính sách là tiền Nhà nước cho không” - ông Y Đliê Niê, một thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Tơng Sinh tâm sự. Về phần mình, bà H’ Râu chia sẻ: “Việc gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm thôi. Làm tổ trưởng có cái hạnh phúc là giúp ngân hàng đưa đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng, góp phần giúp họ vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, công việc này vất vả lắm, nhiều lúc cũng muốn nghỉ nhưng các thành viên trong Tổ không đồng ý. Và thế là mình phải tự động viên tiếp tục cố gắng để khỏi phụ lòng tin của mọi người”.
Tấm lòng người mẹ thứ hai
Đều đặn mỗi ngày, cô H’Win Ênuôl chăm lo bữa ăn trưa cho học sinh. Ảnh: N.H |
Tiếng trống tan trường vừa điểm, cô H’Win Ênuôl, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (buôn Dha Prong, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đi nhanh xuống nhà ăn để cùng với các cô bảo mẫu chăm lo bữa ăn trưa cho học sinh. Từ năm học 2010-2011 Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng được dự án Seqap hỗ trợ tiền cơm trưa cho học sinh 2 buổi/tuần (mỗi buổi 10.000 đồng), nhận thức việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường sẽ góp phần duy trì sĩ số và phòng chống suy dinh dưỡng cho học sinh, cô H’Win bàn bạc với Hội đồng sư phạm vận động phụ huynh tự nguyện đóng 64.000 đồng/tháng để tăng số lượng bữa ăn từ 2 bữa lên 3 bữa ăn/tuần và nâng chất lượng bữa ăn từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng. Khó khăn không ít khi trường chưa có nhà bếp, nhà ăn, trang thiết bị và nhân lực để tổ chức mô hình bán trú. Cô H’Win cho biết: “Khó khăn nhất là sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh. Lúc đầu bà con không đồng ý đâu. Nhiều phụ huynh chỉ muốn được nhận tiền để cho con ăn ở nhà, mình và nhiều thầy, cô giáo phải vận động, thuyết phục nhiều lần bà con mới đồng ý, tin tưởng cho con ở lại trường”. Năm học 2012-2013, có 100% phụ huynh đăng ký cho con học bán trú để có thêm cơ hội cùng học tập, sinh hoạt, giúp các em phát huy tình đoàn kết, rèn luyện kỹ năng sống qua những buổi học bán trú. Tuy nhiên do cơ sở vật chất hạn chế, nhà trường chỉ bảo đảm tổ chức tốt bán trú cho 85 học sinh nghèo. Dự kiến năm học tới, khi khu nhà ăn hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ tổ chức bán trú cho 100% học sinh. Nhờ tổ chức bán trú, chất lượng giáo dục học sinh được nâng lên đáng kể. Đánh giá xếp loại hàng năm 100% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, 47% đạt học lực khá, giỏi; liên tục 2 năm học gần đây nhà trường không có học sinh bỏ học giữa chừng hoặc lưu ban. Mặc dù là trường có 100% học sinh người dân tộc Êđê nhưng chất lượng giáo dục không thua kém một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Nếu như những 1993-1995, khi mới về nhận công tác tại điểm trường thôn Dha Prong, cô H’Win và các đồng nghiệp phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường, thì giờ đây, cô tiếp tục tuyên truyền bà con cho trẻ ra lớp đúng độ tuổi, nhận thức đúng đắn hơn về lợi ích của việc học. 30 năm gắn bó với nghề giáo, dành trọn tâm huyết cho học sinh DTTS, điều làm cô H’Win hạnh phúc nhất là có hàng chục học sinh trưởng thành từ mái trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, trở thành điều dưỡng, kỹ sư, giáo viên, công nhân….đem nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trưởng thôn có uy tín với cộng đồng
Không chỉ là người trưởng thôn gương mẫu, ông Trương Công Đặng còn là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu của xã Ea Hu. Ảnh: H.T |
Là một trưởng thôn luôn gần gũi với dân, nên đã nhiều năm liền ông Trương Công Đặng thôn 6, xã Ea Hu (Cư Kuin) được nhân dân tin tưởng bầu chọn là người có uy tín trong cộng đồng. Thôn 6 có trên 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào nên nhận thức còn lạc hậu, đời sống tinh thần, vật chất còn nhiều khó khăn. Với trách nhiệm là một đảng viên, là trưởng thôn ông hiểu rằng để bà con trong thôn xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu, nhất là thói quen với cuộc sống nay đây mai đó, không phải là chuyện một, hai ngày có thể làm được. Ông cho rằng, việc tuyên truyền, vận động bà con an cư lạc nghiệp là việc làm cần thiết nhất. Do vậy, ngay từ những ngày đầu vào Dak Lak lập nghiệp, ông đã tích cực đến tận chòi của các hộ dân vận động bà con bám đất bám làng để sinh sống, không di cư tự do nữa, vì làm như vậy là vi phạm pháp luật. Nhờ đó hàng chục năm nay, người dân thôn 6 sống ổn định tại địa phương, hăng hái lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng xã Ea Hu ngày càng giàu đẹp. Để lời nói đi đôi với việc làm, ông luôn chú trọng tìm tòi, học hỏi các cách làm hay để hướng dẫn bà con, theo sát từng hộ dân, hướng dẫn cách trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tại nơi sinh sống. Qua nhiều lần như vậy, bà con hiểu ra và làm theo. Cùng với việc khuyến khích bà con sống an cư lạc nghiệp, ông Đặng còn là người có công trong việc đề nghị cấp trên quy hoạch khu nghĩa địa thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng người đã khuất. Nhận thấy việc làm đó của trưởng thôn mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng, trong khi đường vào nghĩa trang còn nhỏ hẹp, gập ghềnh, đầu năm 2013, toàn thể bà con thôn 6 đã đóng góp trên 30 triệu đồng và hàng trăm ngày công để mở rộng đường vào nghĩa trang. Nhận xét về ông Đặng, anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ văn hóa xã hội xã Ea Hu nói: bác Đặng là một thôn trưởng gương mẫu, sâu sát với bà con không chỉ thông qua lời nói mà thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hàng năm, với mô hình kinh tế trang trại của gia đình, bác Đặng đã tiếp nhận hàng chục lượt người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và bán giống cây trồng, vật nuôi với giá cả phù hợp.
Bạn của người nghèo
Anh Nguyễn Văn Đô (bìa phải) đến thăm hỏi một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Ảnh: H.T |
Là một đảng viên trẻ, năng động của địa phương, anh Nguyễn Văn Đô, cán bộ Ban Lao động - Thương binh và Xã hội xã Ea Bông (Krông Ana) luôn nỗ lực đưa chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân một cách kịp thời. Là người phụ trách công tác giảm nghèo của xã, anh luôn trăn trở làm thế nào để hộ nghèo không phải chịu thiệt thòi, không bị mất quyền lợi. Từ đó, anh tự xây dựng nguyên tắc làm việc cho bản thân luôn phải chính xác trong công việc, nhất là đối với công tác rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương, kịp thời tham mưu cho UBND xã họp xét, bình chọn đúng đối tượng. Anh cho rằng, cái gì thuộc về quyền lợi của người dân, đặc biệt đối với người nghèo thì phải ưu tiên làm kịp thời, tuyệt đối không được chậm trễ, không để người dân phải chờ đợi. Chẳng hạn, việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, sau khi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chuyển danh sách về xã, anh lập tức thông báo cho người dân biết để đến nhận đúng thời gian. Là một con người nguyên tắc trong công việc, nhưng ngoài đời anh Đô là một đảng viên gắn bó mật thiết với bà con, nắm rõ từng hoàn cảnh, phận đời của người dân nghèo để từ đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Những lúc rảnh rỗi, anh thường đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ với các gia đình không may bị thiên tai làm hư hỏng nhà cửa, hộ có người qua đời đột ngột do tai nạn giao thông hay những người bị bệnh nan y. Nhờ những lần trò chuyện với người dân, anh Đô dần hiểu ra nguyên nhân vì sao họ nghèo, rồi từ đó giới thiệu cho bà con những mô hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài địa phương để họ học hỏi kinh nghiệm. Với anh, cứ mỗi lần rà soát danh sách các hộ nghèo, hễ có thêm một gia đình thoát nghèo, hết nợ là lòng anh cảm thấy hạnh phúc. Ông Y Thu, buôn Riăn cho biết: năm vừa rồi, nhà ông bị lún do mưa lớn, thấy cán bộ Đô đến hỏi thăm và nói sẽ đề xuất với địa phương hỗ trợ gia đình. Sau đó không lâu, ông được xã Ea Bông hỗ trợ 5 triệu đồng để sửa chữa. Ông Y Thu cảm động: “Mình rất cảm phục trước sự quan tâm của cán bộ Đô cũng như chính quyền địa phương đối với gia đình. Giờ đây, dù mưa to gió lớn mình cũng không lo nhà dột; cái lòng mình cảm thấy ấm hơn rất nhiều…”.
Tám lần tham gia hiến máu nhân đạo
Đảng viên trẻ Nguyễn Quốc Bảo. Ảnh: Đ.L |
Nhắc đến Nguyễn Quốc Bảo (hiện đang công tác tại Ban chỉ huy Quân sự xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) là nhắc đến tấm gương của một đảng viên trẻ ưu tú, từng là một cán bộ Đoàn năng nổ, được nhiều người tin yêu. Nguyễn Quốc Bảo còn là tình nguyện viên tiêu biểu tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo. Tính đến nay, anh đã có 8 lần chia sẻ những giọt máu cứu người. Đã bao lần cho đi những giọt máu hồng để cứu người nhưng Bảo nhớ nhất là lần hiến máu trực tiếp để cứu một bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Lúc ấy, đang làm việc thì có một người gọi điện thoại nhờ anh hiến máu cho một cụ ông ngoài 70 tuổi đang phải mổ tim ở bệnh viện huyện. Bảo đến cho máu và ca mổ tim của ông đã thành công. Xong việc, anh lặng lẽ ra về, lòng thấy vui và hạnh phúc vì đã làm được việc có ý nghĩa. Sau lần đó, càng nhận thức rõ hơn giá trị việc mình đã làm, anh lại hăng hái hơn với việc cho đi những giọt máu cứu người. Hiện Bảo là thành viên hiến máu nhân đạo tích cực của Hội chữ thập đỏ huyện, đồng thời vận động được đông đảo bạn bè, tham gia sôi nổi vào chương trình này…
“Người của công việc”
Thăm hỏi, động viên bà con tập trung phát triển kinh tế, việc làm thường xuyên của CCB Nguyễn Thái Học (bìa trái). Ảnh: Đ.L |
Người dân nhiều thôn, buôn ở xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) đã nói như vậy khi nhắc đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Nguyễn Thái Học. Năm nay 64 tuổi nhưng ông luôn tất bật với các hoạt động xã hội. Tờ mờ sáng ông đã ra chợ xã nhắc nhở các tiểu thương quét dọn vệ sinh khu vực buôn bán, bỏ rác đúng nơi quy định; 7 giờ tất tả đến UBND xã giải quyết công việc của Hội Cựu chiến binh; buổi trưa và tối tham gia phát động quần chúng tại thôn, buôn, hoặc chạy xe máy đến những gia đình có con em hư hỏng để khuyên nhủ, bảo ban. Ông tâm sự: do thiếu hiểu biết về pháp luật, hạn chế về vốn sống lại rất hiếu động nên nhiều thanh thiếu niên trong xã thường rủ nhau bỏ học, tụ tập gây mất trật tự. Điều này khiến ông trăn trở rất nhiều và tự đặt cho mình mục tiêu giáo dục các cháu trở thành người có ích. Nghĩ là làm, ông chọn những thôn, buôn có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, mời các cháu theo từng nhóm tuổi đến để ông nói chuyện. Trong câu chuyện, ông phê phán tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự công cộng; đồng thời lấy những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên học giỏi, hiếu thảo, làm kinh tế giỏi ở các thôn, buôn khác trong xã để nhắc nhở các cháu. Sau những buổi nói chuyện tập trung, ông lại lặn lội đến từng gia đình cùng bố mẹ phân tích đúng sai từng hành vi, việc làm và động viên các cháu cố gắng học tập, phụ giúp bố mẹ. Nói một lần chưa được thì ông nói nhiều lần; nói một mình không “thấm”, ông vận động nhiều người cùng nói. Không bị chỉ trích trước cuộc họp mà được tâm sự, chia sẻ chân tình như người trong nhà, nhiều thanh thiếu niên hư hỏng dần dần hiểu ra tình cảm của các chú bác, cha mẹ nên đã từ bỏ thói hư, tật xấu, tiến bộ rõ rệt. Đáng mừng, trong số ấy có nhiều cháu vướng vào ma túy, bỏ học giữa chừng… đã cai nghiện thành công, tiếp tục đi học lên các bậc cao hơn, đặc biệt có trường hợp tình nguyện trở thành “tai mắt”, giúp ông phát hiện và giáo dục các thanh thiếu niên hư hỏng khác.
Nói về công việc của mình, ông Học tâm sự: “Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc phạm tội ở tuổi vị thành niên, song trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Khi gia đình không thực sự lành mạnh thì trẻ em sẽ là người chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất. Mấu chốt là trách nhiệm của mỗi người và ai có tinh thần trách nhiệm chắc cũng sẽ làm như tôi thôi. Còn về cách thức giáo dục tuyệt đối không được nóng vội và đừng bao giờ chạm vào lòng tự ái của chúng”
Tiết kiệm để làm từ thiện
Bà Nguyễn Thị Thúy Nhuần chăm sóc “Vườn rau từ thiện”. Ảnh: Đ.L |
Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng bà Nguyễn Thị Thúy Nhuần (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn tận tụy và hết lòng với công tác từ thiện. Là đảng viên đã nghỉ công tác, thấm nhuần lời dạy của Bác, bà luôn giữ cho mình lối sống tiết kiệm và vận động người dân góp tiền của, công sức giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Trong xóm làng, hễ ai có việc gì khó khăn cũng đến nhờ bà hướng dẫn, giúp đỡ và bà không nề hà bất cứ việc gì, luôn vui vẻ giúp đỡ bà con, chính vì thế mà bà con trong buôn càng tin yêu, quý mến bà hơn.
Thông cảm với hoàn cảnh một thanh niên trong xóm bị tàn tật, thần kinh không bình thường, gia đình lại thuộc hộ nghèo, từ năm 2012, bà đã nhận giúp đỡ, hỗ trợ đều đặn mỗi tháng 10 kg gạo để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Ngoài ra, từ số tiền lương hưu, mỗi tháng bà cùng với chồng mình bỏ heo đất tiết kiệm, vào cuối năm hay các dịp lễ, bà tổ chức “mổ heo” gom hết số tiền tiết kiệm được để tham gia các hoạt động từ thiện. Khi thì tặng những suất quà, vài chục ký gạo, chai dầu ăn, khi thì bộ quần áo mới giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Để có thêm tiền làm từ thiện, trên khoảng sân rộng của gia đình, bà Nhuần trồng các loại rau để mỗi buổi sáng mang ra chợ bán, tất cả số tiền có được đều dành dụm để cuối năm cùng với chính quyền địa phương lo cái tết đầm ấm cho những gia đình khó khăn trong phường. Bà chia sẻ: “Học theo gương Bác, bản thân tôi và gia đình bớt từng nắm gạo, đồng tiền, tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày để góp số tiền nhỏ hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Làm được điều này, tôi thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản hơn”. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, số tiền bà Nhuần tiết kiệm để làm từ thiện đã lên đến con số chục triệu đồng từ cách nuôi heo đất và trồng rau mang ra chợ bán mỗi sáng. Riêng Tết Quý Tỵ (2013), với số tiền 5 triệu đồng từ việc mổ heo đất, bà đã mua 31 suất quà tặng các hộ nghèo và thanh niên lên đường nhập ngũ đầu xuân. Tết Nhâm Thìn (2012), bà cũng đã ủng hộ gần 1,5 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ của phường để giúp đỡ người nghèo. Ngày Thương binh – Liệt sĩ hằng năm, nhớ nghĩa tình đồng đội, bà cũng có những phần quà trao tặng những thương binh có hoàn cảnh khó khăn…
Với tâm đức, giàu tình thương và tính cần kiệm, bà Nhuần đã trở thành tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được người dân địa phương tin yêu, quý trọng.
Nhóm PV (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc