Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII: Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố

08:34, 22/05/2013

Sáng qua (21-5), Chủ nhiệm  Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp trước, dự kiến tại kỳ họp này QH sẽ xem xét thông qua.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, các đại biểu QH đã tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khá nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp trước để hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về các vấn đề như biện pháp phong tỏa tài sản liên quan đến khủng bố; việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố…

Một số đại biểu tán thành thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở Trung ương và các tỉnh thành. Bởi vì, theo các đại biểu, khủng bố thế giới ngày càng gia tăng, tuy Việt Nam chưa xảy ra nhưng nguy cơ là hiện hữu, vì thực tế lực lượng công an đã từng phát hiện một số đối tượng trà trộn, móc nối, kích động người dân để thực hiện những vụ quấy rối an ninh trật tự. Bởi thế đề nghị lâp Ban chỉ đạo cả ở cấp Trung ương và cấp tỉnh thành, trong đó Ban chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo, ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Lực lượng phòng chống khủng bố bao gồm Công an, Quân đội với mục đích đầu tiên là ngăn ngừa khủng bố.

Đối với chính sách phòng, chống khủng bố,  nhiều đại biểu QH đề nghị bổ sung: chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố; chính sách đối với người phát hiện hành vi khủng bố và người thân của họ; chính sách bảo vệ người thân thích của người tham gia phòng, chống khủng bố khi có căn cứ cho rằng những người đó bị đe dọa trả thù; chính sách khen thưởng khi cung cấp thông tin về khủng bố.

Bàn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống khủng bố,  nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn vai trò của quân đội trong phòng, chống khủng bố bởi quy định như dự thảo còn chung chung, chưa đầy đủ, nhất là chức năng của bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Hải quan và các bộ, ngành có liên quan trong nhiệm vụ phối hợp thực hiện phòng, chống khủng bố.

Về người chỉ huy chống khủng bố, theo một số đại biểu, Dự thảo còn quy định chung chung, vì vậy cần quy định cụ thể hơn để tránh lúng túng khi thực hiện. Nên quy định đó là người được Ban chỉ đạo phân công.  Nếu Ban chỉ đạo chưa phân công thì người đứng đầu trực tiếp ở nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm chỉ huy việc chống khủng hố.

Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố cũng được các đại biểu quan tâm. Có đại biểu cho rằng, hợp tác quốc tế là cần thiết, vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng phải bảo đảm độc lập chủ quyền, không để nước ngoài lợi dụng.

Cũng trong sáng qua, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Q.A (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.