Multimedia Đọc Báo in

Quy định đối tượng đi học cao cấp lý luận chính trị

16:27, 27/05/2013

Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Văn bản được ban hành theo Kết luận số 57-KL/TW, ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về “tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Theo văn bản trên, đối tượng được cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính gồm hai nhóm cán bộ. Cụ thể, nhóm cán bộ thứ nhất là các vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; tỉnh ủy viên, thành ủy viên, trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố trở lên; cán bộ chủ chốt cấp huyện (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh này.

Nhóm cán bộ thứ hai là các trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên.

Văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương cũng quy định tiêu chuẩn cán bộ cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Theo đó, đối tượng đi học cao cấp lý luận chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Về độ tuổi, đối với hệ tại chức, cán bộ đang giữ chức danh trong nhóm cán bộ được cử đi học có tuổi đời từ 40 tuổi trở lên đối với nam, 35 tuổi trở lên đối với nữ; Đối với hệ tập trung, cán bộ đang giữ chức danh quy định trong nhóm cán bộ được cử đi học có tuổi đời dưới 40 tuổi đối với nam, dưới 35 tuổi đối với nữ.

Ngoài các tiêu chuẩn chung trên, Ban Tổ chức Trung ương cũng đưa ra một số quy định riêng với từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc nhóm cán bộ được đi học cao cấp lý luận chính trị, hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và vị trí công tác đặc thù, nếu chưa có bằng tốt nghiệp đại học thì phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng về chuyên môn và bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc nhóm cán bộ được đi học cao cấp lý luận chính trị hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và vị trí công tác đặc thù, được ưu tiên học hệ tại chức trẻ hơn 5 tuổi so với quy định độ tuổi theo tiêu chuẩn chung. Các chức sắc tôn giáo có yêu cầu học cao cấp lý luận chính trị - hành chính thì được học tại các Học viện khu vực, do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương.

Về tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Ban Tổ chức Trung ương quy định nhóm cán bộ thứ nhất sẽ được đào tạo tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; nhóm cán bộ thứ hai sẽ được đào tạo tại các học viện khu vực của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Số lượng học viên mỗi lớp học: Lớp hệ tập trung không quá 50 học viên/lớp, lớp hệ tại chức không quá 110 học viên/lớp.

Việc xét duyệt và thẩm định cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung và tại chức tại hệ thống Học viện từ năm 2013 được tiến hành theo quy trình sau: cấp ủy, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học trên cơ sở chỉ tiêu được giao, lập hồ sơ cán bộ cử đi học theo quy định. Trung tâm Học viện và các Học viện khu vực theo phân cấp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách học viên theo từng lớp đúng đối tượng, tiêu chuẩn (theo mẫu đính kèm) và chuyển danh sách học viên về cơ quan được giao thẩm định là Ban Tổ chức Trung ương, trung tâm Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Hằng năm, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gửi về Ban Tổ chức Trung ương trong tháng Tám để tổng hợp và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho năm tiếp theo.

N.X (nguồn TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.