Nhớ mãi một chuyến đi!
Có lẽ tôi may mắn và hạnh phúc hơn nhiều đồng nghiệp khác khi đã được một lần đặt chân đến Trường Sa-biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà mỗi khi nhắc đến lại gợi lên trong trái tim mỗi người dân Việt bao nỗi khắc khoải, khao khát được đến tận nơi để cảm nhận một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất vóc dáng, hình hài đất nước. Một chuyến đi mà đối với những người làm báo thì có thể được ví như là “hành trình của cuộc đời”, khó có cơ hội lặp lại.
Toàn cảnh đảo Song Tử Tây. |
Tháng 3-2012, tôi được Ban Biên tập thông báo phân công tháp tùng đoàn lãnh đạo của UBND tỉnh đi thăm, tặng quà quân và dân đảo Trường Sa, với “tối hậu thư”: “Phải thông tin kịp thời tất cả các hoạt động của đoàn cũng như khai thác tối đa tư liệu, phản ánh toàn diện các hoạt động của quân và dân trên đảo, phục vụ công tác tuyên truyền trên báo”. Trong tâm trạng háo hức đợi mong, 2 tháng trước ngày lên đường tôi tranh thủ tìm kiếm, thu thập mọi thông tin, tư liệu cần thiết về Trường Sa, cộng với việc lân la học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của đàn anh đi trước hầu giúp ích cho việc tác nghiệp trên đảo được hiệu quả, chất lượng. Đến trung tuần tháng 5, chúng tôi chính thức đặt chân xuống con tàu hiện đại nhất hải quân Việt Nam HQ 571, mà lòng “thở phào nhẹ nhõm”, bởi những tưởng đã lỡ chuyến đi sau 2 lần có công văn khẩn thay đổi lịch trình. Sau khi ổn định chỗ ăn, ở, thuyền trưởng HQ 571 thông báo mọi người cần nghỉ ngơi lấy sức vì phải mất 48 giờ đồng hồ tàu mới đến điểm đảo đầu tiên. Trong thời gian đó cánh phóng viên chúng tôi là những người bận rộn nhất với công việc khai thác những thông tin về Trường Sa cũng như cuộc sống sinh hoạt, nhiệm vụ của thủy thủ đoàn, những thông tin về con tàu HQ 571 mà chúng tôi đang đi, không ai muốn bỏ phí một khoảng thời gian quý giá hoặc một chi tiết nhỏ nào nhằm phục vụ bài viết sau này. Chứng kiến cảnh tác nghiệp tất bật, say sưa ngay trên tàu của chúng tôi, Chính trị viên tàu HQ 571 - Trung tá Nguyễn Văn Lưu, người đã từng nhiều lần làm nhiệm vụ đưa các đoàn ra thăm Trường Sa, trong đó có phóng viên trấn an: “Anh em phóng viên yên tâm, ra đảo các anh thoải mái mà khai thác đề tài, chỉ sợ không có thời gian thôi!”.
Tác giả bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc ở đảo Song Tử Tây. |
Những háo hức, đợi mong ban đầu dần nhường chỗ cho tâm trạng lo lắng khi chúng tôi cầm trên tay lịch trình 9 điểm đảo mà đoàn sẽ đi qua, bởi theo kế hoạch, thời gian các đoàn ở trên mỗi đảo không nhiều, nên làm thế nào phân bổ thời gian hợp lý để vừa có thể khai thác toàn cảnh hoạt động của quân và dân trên đảo vừa có thể “bám” đoàn của tỉnh nhà phục vụ tuyên truyền; nếu quá “tham lam” trước một “núi” thông tin, đề tài nào cũng “nhảy vào” thì chắc chắn sẽ không có thời gian, nếu có thì thông tin, tác phẩm phản ánh, chuyển tải đến độc giả sẽ không sâu sắc, đậm nét. Chia sẻ với những băn khoăn của cánh phóng viên về điều đó cũng như qua đúc kết kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, lần đầu tiên Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã xuất bản cuốn “Những điều cần biết về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và khu vực thềm lục địa phía nam (DK1)”, trong đó giới thiệu khái quát về các đảo, một số hoạt động nổi bật của quân và dân… phát cho các phóng viên. Cầm trên tay cuốn “cẩm nang” hết sức cần thiết, hữu hiệu này, phóng viên chúng tôi mới phần nào yên tâm. Thêm nữa, với kinh nghiệm là người đã từng có thâm niên công tác chính trị, tuyên truyền trên đảo, Chính trị viên tàu HQ 571 Nguyễn Văn Lưu có phương pháp tổ chức cho phóng viên tác nghiệp rất chuyên nghiệp: trước khi đến mỗi điểm đảo, tàu tổ chức họp phóng viên giới thiệu khái quát những hoạt động nổi bật của quân và dân trên điểm đảo sắp tới để phóng viên lựa chọn đề tài khai thác. Và trong mỗi lần họp, người chính trị viên vui tính cũng không quên nhắc nhở cánh phóng viên “nhớ giữ gìn bảo bối”, cẩn thận để tác nghiệp, khi lên, xuống tàu luôn thủ sẵn chiếc bọc ni lông “đặc chủng” như là vật bất ly thân. Nghe qua có vẻ lời nhắc nhở là thừa, bởi đối với phóng viên thì “đồ nghề” phục vụ tác nghiệp như máy ảnh, máy quay được xem như “báu vật”, “người đi chứ của phải ở lại”, song thực tế tác nghiệp trên đảo, chúng tôi mới thấm thía lời dặn dò, bởi các công đoạn hạ thuyền, lên xuống đi vào đảo là cả một quá trình khó khăn, gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, gió lớn, sóng cao trên 2 mét, máy móc tác nghiệp nếu không bao bọc cẩn thận, bị nước biển vào hoặc bị rơi là chuyện bình thường!
Như bao người con đất Việt khác, mỗi khi đặt chân đến một điểm đảo, đứng trước biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cánh phóng viên chúng tôi cũng có tâm trạng bồi hồi xúc động, với đủ mọi cung bậc cảm xúc khó tả, nhưng ngay sau đó mọi người lại nhanh chóng tập trung vào nhiệm vụ. Chúng tôi tất bật chạy đi chạy lại như con thoi, tranh thủ trong lúc các lực lượng quân đội đóng trên đảo tiếp đoàn, vội đi thăm các hộ dân, tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của họ; phỏng vấn các chiến sĩ về điều kiện sinh hoạt, công tác… Với một khối lượng công việc đồ sộ, quỹ thời gian ngắn, chúng tôi phải “cày” hết công suất, ai nấy mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng mang vị mặn chát của muối biển táp vào mặt, thậm chí có phóng viên đến bữa trưa cũng bỏ ăn, tranh thủ đi thu thập tư liệu. Vất vả là vậy nhưng tối về tàu lần giở lại những tư liệu, hình ảnh ghi được trong ngày, ai nấy đều cảm thấy rất hài lòng, dần định hình cho “đứa con tinh thần” ra đời sau này. Tác nghiệp ở Trường Sa cũng không kém phần nhọc nhằn, vất vả thậm chí đối mặt với hiểm nguy, nhất là những lúc hạ xuồng, lên đảo bởi những con sóng cao 2, 3 mét dữ dội vồ lên, muốn nhấn chìm tất cả! Một đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Quân đội Nhân dân đã suýt bị dập nát chân do không kịp “nhảy” lên nhà giàn DK1/14 khiến chúng tôi còn “lạnh gáy”. Mệt, nguy hiểm là vậy, song ngẫm lại được tác nghiệp ở Trường Sa, được làm việc trong bầu không khí khẩn trương, chạy đua với thời gian giữa trời biển sóng nước mênh mông, sâu thẳm, lúc ồn ào, lúc dịu êm của Tổ quốc với “ngồn ngộn” những thông tin, chi tiết chân thực, sống động nhất đã đem đến cho chúng tôi một cảm xúc, những rung cảm thật nhất giúp ngòi bút thăng hoa, sáng tạo nên tác phẩm “ưng ý” nhất.
Trước khi đi tác nghiệp ở Trường Sa, phóng viên chúng tôi đều trang bị đầy đủ laptop, thiết bị 3G nhằm kịp thời giới thiệu, chuyển tải những hình ảnh các hoạt động của quân và dân trên đảo đến độc giả. Song không như đất liền, ở Trường Sa chỉ có vài điểm đảo và một số khu vực tàu HQ 571 qua mới có duy nhất sóng điện thoại Viettell. Mỗi khi đến một điểm đảo, chúng tôi lại tranh thủ, khẩn trương “gõ” tin, chuyển về tòa soạn. Tuy nhiên ai cũng thất vọng vì mạng chập chờn, 3G truy cập rất yếu, không gửi hình ảnh đến được với độc giả. Song sau đó lại tự động viên an ủi, thôi thì cứ để “đứa con tinh thần” ấp ủ, “thai nghén”, đủ độ “chín”, như thế sau này nó sẽ “cứng cáp, mạnh mẽ”, đủ sức thuyết phục, lay động độc giả hơn. Tác phẩm sẽ phản ánh sinh động, chân thật về tinh thần sống, chiến đấu, lao động kiên cường, dũng cảm, chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên quần đảo, để qua đó Trường Sa nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa cả về tinh thần và vật chất của mọi người dân nước Việt.
Tác nghiệp ở Trường Sa không chỉ đem đến cho chúng tôi một cơ hội trải nghiệm quý báu, một góc nhìn mới về một lĩnh vực, một địa danh mà bất cứ người làm báo nào cũng ước ao đặt chân đến, mà hơn nữa qua đó nuôi dưỡng, bồi đắp thêm niềm đam mê, gắn bó với nghiệp báo mà mình đã chọn.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc