Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân

09:42, 15/10/2013
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã có nhiều thành công trong tổ chức lực lượng cách mạng thông qua công tác dân vận.
 
Đảng ta xác định: Cán bộ, đảng viên phải bám dân, vận động dân, giác ngộ dân, dựa vào dân mà sống và hoạt động. Đảng không có dân như cá không có nước; dân không có Đảng như không có người dẫn đường chỉ lối. Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, quan hệ Đảng với dân tạo thành sức mạnh để chiến thắng kẻ thù và đói nghèo, lạc hậu. Gắn bó máu thịt với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng ta. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đòi hỏi “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, là động lực chủ yếu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn đồng bào buôn Drang Phốk  (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) làm lúa nước. Ảnh: Việt Cường
Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong những đơn vị luôn làm tốt công tác dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. ( Trong ảnh:hướng dẫn đồng bào buôn Drang Phốk ,xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) làm lúa nước. Ảnh: Việt Cường

Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân vận - vận động các tầng lớp nhân dân của Đảng trở thành nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của Đảng ta qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.  Từ thực tiễn đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước Đảng ta đã rút ra được những bài học liên quan trực tiếp, gắn bó mật thiết với công tác dân vận của Đảng, đó là: “ Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi của lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng ta là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước”. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu và bài học lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, bởi “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

    Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và rút ra bốn bài học, trong đó có bài học quan trọng là “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân”.

Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8B về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, cho đến nay Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị.

Tại Đại hội VII, Đảng ta đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm chủ yếu, trong đó có bài học liên quan đến việc mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Thực hiện quan điểm, Nghị quyết Đại hội VIII, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương khóa VIII đã ban hành Chỉ thị 30- CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo các đoàn thể nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại hội IX của Đảng đã tiếp tục chỉ rõ những quan điểm  chỉ đạo công tác dân vận của Đảng: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng khối đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” .

 Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Phải xây dựng các thiết chế mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh ý chí, lợi ích của nhân dân… Cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân”

   Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới…

Thành tựu có được nhờ Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với lợi ích của nhân dân; công tác lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả; Đảng đã đổi mới, tăng cường các hình thức hoạt động, vận động nhân dân. Tuy vậy việc xây dựng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời; nhiều bức xúc chưa được giải quyết; công tác kiểm tra, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân là một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận, chưa quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn; vai trò lãnh đạo, phối hợp bên trong của hệ thống chính trị giảm sút.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Đảng ta xác định mục tiêu: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đảng ta xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm; mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân đối với Đảng.

Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo động lực để nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt trên mọi lĩnh vực.

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện; cán bộ công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân; trong giai đoạn cách mạng hiện nay đang đặt ra cho công tác dân vận những yêu cầu mới rất to lớn. Người cán bộ dân vận phải thực sự thấm nhuần phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thường xuyên đi công tác cơ sở, giải quyết tốt các chính sách đối với người dân.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động…

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng; có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ tuổi, có năng lực; khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất, năng lực yếu kém và không có uy tín về làm công tác dân vận.

 Để Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI thực hiện có hiệu quả, cấp ủy Đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

 Ngô Sáu

 

 

Ý kiến bạn đọc