Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 28-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 486/488 đại biểu tán thành, chiếm 97,59%. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức được Quốc hội thông qua.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp năm 1992 do Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Uông Chu Lưu trình bày cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Trong quá trình soạn thảo, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu Quốc hội luôn bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Đảng và ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học và tham vấn ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ để hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến của Dự thảo.
Ngày 18-11-2013, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, sửa trực tiếp vào Dự thảo và thể hiện ý kiến về những nội dung trong Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 408 Phiếu xin ý kiến và đã có nhiều đại biểu Quốc hội gửi bản góp ý cụ thể vào nội dung Dự thảo.
Các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Các đại biểu Quốc hội đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm một chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Sau khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết này. Theo Nghị quyết này, bản Hiến pháp mới sẽ được công bố chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Theo NDĐT
Ý kiến bạn đọc