Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã được xác lập ngay trên chính bản đồ do Trung Quốc vẽ
Những bản đồ Trung Quốc được xuất bản tại phương Tây và các bản đồ, atlas do chính Trung Quốc xuất bản từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đang được trưng bày trong Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” đang được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh là những tài liệu đặc biệt quý giá.
Những bản đồ này được xuất bản ở các nước: Anh, Đức, Úc, Canada và Mỹ trong khoảng thời gian từ 1626-1980. Điểm chung của các bản đồ này là lãnh thổ, các đảo và quần đảo thuộc Trung Quốc được phân biệt với các quốc gia láng giềng bằng màu sắc và các đường biên giới rất rõ ràng, trong đó đều ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Đáng chú ý là tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh xuất bản năm 1904. Đây là tấm bản đồ do TS. Mai Hồng, cán bộ Viện Hán Nôm sưu tầm và trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2012. Trên bản đồ này, lãnh thổ cực nam của Trung Quốc lúc đó chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam, hoàn toàn không có hình vẽ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ |
Đặc biệt 4 atlas xuất bản tại Trung Quốc thời nhà Thanh và thời Trung hoa Dân quốc do Việt kiều Trần Thắng sưu tầm và trao tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh. Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Atlas do Phái bộ truyền giáo Trung Hoa có trụ sở ở Thượng Hải biên soạn và phát hành với sự giúp đỡ của triều đình nhà Thanh. Trung Quốc toàn đồ xuất bản năm 1917, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Đây là ấn phẩm tái bản từ tập bản đồ Trung Quốc địa đồ. Trong ấn phẩm này cũng không đề cập Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Atlas được in bằng 3 thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân quốc tái bản tại Nam Kinh vào năm 1933. Atlas này cũng in bằng 3 thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 29 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc, kể cả Tây Tạng và Nội Mông.
Các atlas trên là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906, được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển, thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas.
Thêm nữa, điều thống nhất giữa các atlas này là lãnh thổ cực nam Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Đông) mà không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi các đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Kim Môn, Đài Loan… trong vùng biển Hoa Đông đều được ghi nhận là những phần lãnh thổ của Trung Quốc. Điều đáng chú ý là từ atlas xuất bản lần đầu cho đến atlas tái bản, những phần lãnh thổ thuộc về Trung Quốc, kể cả Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông là những phần lãnh thổ Trung Quốc thâu tóm sau này, đều được thể hiện trong đường biên giới lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ tổng thể với cách thể hiện màu sắc phân biệt rất rõ ràng với lãnh thổ các quốc gia lân bang. Và chưa bao giờ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Viêt Nam được thể hiện trong phần lãnh thổ của Trung Quốc trong các bản đồ và atlas này.
Như vậy, những tấm bản đồ Trung Quốc do phương Tây và chính Trung Quốc xuất bản trong các thế kỷ XVI-XX đã chính thức ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề thuộc về Trung Quốc như những tuyên bố của Trung Quốc hiện nay.
Đ.T
Ý kiến bạn đọc