Multimedia Đọc Báo in

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam:

Thiêng liêng biển trời Tổ quốc!

09:16, 11/01/2014

Hoàng Sa, Trường Sa - vùng biển thiêng liêng, tự bao đời đã được tổ tiên, cha ông người Việt xác lập và gìn giữ. Nhiều tư liệu, bằng chứng có giá trị lịch sử vẫn còn được lưu giữ đến hôm nay, giúp con cháu người Việt Nam đời đời tạc dạ, khắc ghi và đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc…

Xác lập chủ quyền từ trong bề dày lịch sử

Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào khi hai quần đảo này còn là vô chủ.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu, sách cổ, bản đồ, văn bản pháp lý của nhà nước, thể hiện việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể kể đến như: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833), Đại Nam thực lục tiền biên (1844-1848), Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Đại Nam nhất thống chí (1882), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1910), Quốc triều chính biên toát yếu (1910), Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838)…

Các châu bản triều Nguyễn thế kỷ 17, 18 có dấu son của vua cũng là cơ sở pháp lý khẳng định việc nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như: hàng năm cử các đội Hoàng Sa kiêm quân đội Bắc Hải ra hai quần đảo khai thác tài nguyên sản vật trên biển và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm; đo đạc vẽ bản đồ; dựng bia lập miếu, trồng cây, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn…

Trong thời kỳ pháp thuộc từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp đã quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh đất liền, cho quân đồn trú, đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9-1951. Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với sự tham dự của 51 quốc gia. Tại hội nghị này, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại.

Sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Pháp đã chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã chiếm hữu trên thực tế và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Sau năm 1975, nước Việt Nam thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý các đảo ở Trường Sa và liên tiếp khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, tháng 5-2009, Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông vượt ngoài 200 hải lý và Báo cáo chung xác định ranh giới ngoài thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" đã thu hút nhiều người dân đến tham quan. Ảnh: Hoàng Gia

Không xa đâu Hoàng Sa, Trường Sa!

Tiếp nối truyền thống, chung sức bảo vệ thành quả của cha ông, lớp lớp thế hệ những người lính đã ra đảo, cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết, chắc tay súng bảo vệ vùng biển quê hương. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, hai tiếng Tổ quốc, hai tiếng Việt Nam càng thiêng liêng, thao thiết. Có những chàng trai ra đảo đã quên mình, Tổ quốc gọi tên họ bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa. Với những người chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, vùng lãnh hải ấy vẫn thật gần với họ bằng tấm lòng của đất liền, bằng tình yêu, ý thức tự tôn dân tộc. Đặc biệt hơn, với Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” hiện đang tổ chức tại Bảo tàng tỉnh, thật hiếm dịp người dân, du khách được xem và có cái nhìn khách quan, toàn diện, xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến thế. Với những tư liệu quý giá, đặc biệt là hệ thống bản đồ cổ của các Nhà nước phong kiến Việt Nam, bản đồ do người phương Tây và bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ, được trưng bày, giới thiệu trong Triển lãm, Hoàng Sa, Trường Sa càng thêm gần, chủ quyền lãnh hải thêm thiêng liêng.

Những ngày diễn ra Triển lãm, nhiều người dân trong tỉnh từ cán bộ công chức viên chức đến các bạn học sinh sinh viên đã đến tham quan. Chúng tôi đã bắt gặp những cụ già dẫn theo cả con và cháu cùng đi. Rồi chính các cụ, bằng những trải nghiệm thực tế, kiến thức tích lũy được đã trở thành những hướng dẫn viên trước các câu hỏi của các con, các cháu. Nhiều người đã đứng lặng, ánh mắt chăm chú, trầm ngâm trước các tấm bản đồ, đặc biệt là những thông tin xung quanh vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã cho thấy vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. H’Rê Ya Bdap, cô hướng dẫn viên người Êđê của Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Những ngày được tham gia phục vụ, hướng dẫn, giới thiệu tại Triển lãm, cô vinh dự vô cùng. Bản thân cô cũng có dịp được học hỏi và có thêm hiểu biết về biển đảo quê hương. Cô vẫn thầm mong và tự nhủ nếu có dịp được đi phục vụ triển lãm biển đảo tại cơ sở, cô sẽ thuyết trình, giới thiệu cho bà con đồng bào mình nghe những thông tin quý giá về biển đảo mà bản thân mình được học, được biết. Vinh dự khi mang trên mình bộ quân phục của Hải quân Nhân dân Việt Nam, Binh Nhì Nguyễn Tấn Thắng thuộc Lữ đoàn 146 cũng không giấu được niềm xúc động khi được tham quan, xem các tư liệu, hiện vật tại Triển lãm. Tình yêu biển đảo và ước nguyện được rèn luyện, cống hiến lâu dài trong hàng ngũ của Hải quân Nhân dân Việt Nam càng cháy bỏng đối với chàng trai trẻ này. Nhiều bạn trẻ sau khi được xem và giới thiệu về các tư liệu, hiện vật lịch sử tại Triển lãm đã lưu lại những dòng trong sổ ghi cảm tưởng rằng: Ước nguyện một lần được đến với Trường Sa để lắng nghe hồn thiêng đất Việt!

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.