Multimedia Đọc Báo in

Một số ý kiến về tổ chức học tập nghị quyết của Đảng ở đảng bộ xã, phường

14:37, 28/05/2014
Tổ chức học tập nghị quyết của Đảng ở đảng bộ xã phường là giai đoạn trực tiếp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thông qua việc tổ chức thực hiện chương trình hành động của mỗi đảng bộ cơ sở và hoạt động thực tiễn của mỗi đảng viên.
 
Tuy nhiên, trong thực tế, tại một số đảng bộ còn có hiện tượng buông lỏng quản lý tổ chức học tập nghị quyết của Đảng dẫn đến các biểu hiện: đảng viên đi học không đầy đủ, buổi học buổi nghỉ, đi muộn về sớm, bỏ học giữa giờ. Trong lớp học nhiều đảng viên nói chuyện riêng, sử dụng điện thoại, máy tính bảng, làm việc riêng dẫn đến hậu quả là sau một buổi, một ngày học tập nghị quyết của Đảng, các đảng viên trên không nắm được những phần cơ bản của nghị quyết; thậm chí đến cái tên của nghị quyết cũng chỉ… nhớ mang máng! Tâm lý của một số đảng viên xã, phường đi học nghị quyết của Đảng hiện nay là muốn báo cáo viên trình bày ngắn gọn (với nghĩa là cắt xén nội dung nghị quyết) để được về sớm. Hiện tượng “ngại” học nghị quyết của Đảng không phải là không có ở một bộ phận đảng viên xã, phường.

Trong tổ chức học tập nghị quyết, nên chăng, cần có những bước sau:

-Cấp ủy các chi bộ thông báo cho đảng viên kế hoạch học tập, mục đích yêu cầu và hướng dẫn tìm đọc nghị quyết trước khi đến lớp học tập.

-Ban tổ chức lớp học khai mạc đúng giờ, quy định thời gian tiếp thu nghị quyết, phát phiếu ghi danh người học trong mỗi buổi học và đề cương viết thu hoạch sau khi học tập nghị quyết (với những đảng viên vắng mặt, tổ chức học tập lớp thứ hai).

-Trong phiên họp định kỳ hằng tháng, cấp ủy chi bộ dành thời gian thích hợp cho đảng viên thảo luận, giải đáp thắc mắc (ngay sau thời gian học tập nghị quyết) và nộp bản đề cương thu hoạch cho ban tổ chức lớp học (đề cương thu hoạch không chỉ nêu lại các nội dung nghị quyết mà còn là vận dụng nghị quyết để giải quyết những vấn đề cụ thể ở xã, phường hiện nay).

Ngoài ra, ở đảng bộ xã, phường hiện nay (nhất là các đảng bộ ở các khu đô thị, đảng viên là cán bộ công nhân viên chức nghỉ hưu nhiều, trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn, nhu cầu học tập nghị quyết nhìn chung là cao hơn cán bộ đảng viên đương chức và đảng viên mới được kết nạp vào Đảng. Vì vậy, việc tổ chức nhiều lớp học cho nhiều đối tượng và yêu cầu mỗi lớp học khác nhau là điều nên làm.

Để nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Đảng ở đảng bộ xã, phường, bên cạnh việc tổ chức học tập (từ các bước chuẩn bị tài liệu, nghe giảng đến thảo luận, thu hoạch…) có kỷ luật, nền nếp còn cần nêu cao vai trò của báo cáo viên giới thiệu, báo cáo nghị quyết.

Báo cáo viên của đảng bộ xã phường là những đồng chí cán bộ, đảng viên đã được cấp ủy lựa chọn. Họ là những người có uy tín về đạo đức, nhân cách, về trình độ học vấn, văn hóa ứng xử và nhất là có trình độ lý luận chính trị cùng với năng lực vận dụng lý luận giải quyết những vấn đề thực tiễn xã phường đặt ra liên quan đến nghị quyết của Đảng.

Để đạt được những tiêu chuẩn cần có của một báo cáo viên đảng bộ xã phường nêu trên, người báo cáo viên phải tu dưỡng, rèn luyện nhiều mặt, lâu dài.

Có thể nói, tính thuyết phục nằm ngay trong mỗi nghị quyết của Đảng. Bởi lẽ, mỗi dòng nghị quyết đều là kết quả của quá trình phân tích, đúc kết của trí tuệ toàn Đảng, toàn dân từ “trực quan sinh động”, từ những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra cần có lý luận soi đường để đi lên, phát triển. Vì vậy báo cáo viên phải nghiên cứu sâu sắc nghị quyết, chắt lọc những nội dung từ báo cáo viên cấp trên truyền đạt và các tạp chí lý luận của Đảng có liên quan cùng với việc tìm hiểu thực tiễn xã phường để soạn thành đề cương chi tiết bài giảng.

Tính thuyết phục của nghị quyết yêu cầu báo cáo viên phải bảo đảm nguyên tắc hàng đầu khi báo cáo giới thiệu nghị quyết của Đảng là phải trung thành với nghị quyết đến từng câu chữ.

Bản thân nghị quyết của Đảng đã có sức thuyết phục đến người đọc, người nghe, nhưng để người nghe hiểu được, tin theo và hành động theo nghị quyết thì báo cáo viên phải tâm huyết với nghị quyết và phải có phương pháp tác động đến cả trái tim và khối óc người nghe nhằm tạo một sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện nghị quyết của Đảng.

Thực tế cho thấy, để có một bài giảng về nghị quyết của Đảng thành công, báo cáo viên đảng bộ xã, phường cần đặc biệt lưu ý đến tình hình đặc điểm địa phương liên quan đến nghị quyết và đối tượng người nghe.

Tâm lý tiếp nhận của người nghe mong muốn báo cáo viên lý giải được những vấn đề lý luận có “tầm vĩ mô” trong nghị quyết soi sáng, giải quyết những vấn đề cụ thể của xã phường về kinh tế xã hội, về xây dựng Đảng… vì họ là những người trực tiếp thực hành nghị quyết. Về vấn đề này, để thuyết phục người nghe, nên chăng, báo cáo viên cần phải nắm được bản chất vấn đề thực tế xã phường đặt ra, tôn trọng và đối thoại với người nghe, tìm ra cái chung và cái riêng trong vận dụng, thực hiện nghị quyết để tạo ra sự đồng thuận trong toàn đảng bộ.

Những báo cáo viên là bí thư cấp ủy, cán bộ chủ chốt xã phường có lợi thế về am hiểu tình hình địa phương. Những báo cáo viên cấp trên (cấp tỉnh, cấp huyện) về giảng bài ở đảng bộ cơ sở nên dành thời gian tìm hiểu kỹ về xã phường để có những lý giải cụ thể, đề ra những giải pháp thích hợp giúp ích cho địa phương.

Về đối tượng học tập nghị quyết: hiện nay, nhiều xã phường tổ chức hai lớp học cho hai đối tượng chính là đảng viên và cán bộ quần chúng của Đảng từ thôn, buôn, tổ dân phố đến xã phường. Với mỗi lớp học, báo cáo viên có yêu cầu riêng và phương pháp thuyết phục thích hợp. Học viên ở hai lớp học có nhiều người có trình độ lý luận, trình độ chính trị, trình độ học vấn là bậc thầy của báo cáo viên (nhất là những đảng viên nghỉ hưu). Vì vậy, để thuyết phục, báo cáo viên rất cần sự khiêm tốn, tôn trọng nhân cách người nghe. Tác phong, ngôn ngữ, cách ứng xử của báo cáo viên với học viên phải là của một người đồng chí, một người bạn. Báo cáo viên không được phép tự cho mình là một “người thầy”, một “nhà lãnh đạo”… khi báo cáo, giới thiệu nghị quyết của Đảng ở cơ sở.

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.