Multimedia Đọc Báo in

TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ BIỂN ĐẢO

Về công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982

10:02, 19/09/2014

1. Giới thiệu chung

Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (gọi tắt: Công ước 1982) là kết quả của Hội nghị Luật biển lần thứ III của Liên hiệp quốc kéo dài từ 1973 đến 1982 nhằm xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương. Được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, Công ước 1982 quy định một cách toàn diện các quyền và nghĩa vụ của tất cả quốc gia (có biển, không có biển, bất lợi về mặt địa lý…) trong việc sử dụng biển và đại dương. Công ước 1982 chính thức có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 và tính đến 20-7-2009 có 159 quốc gia thành viên. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 ngày 23-6-1994.

Công ước gồm 17 phần, 320 Điều và 9 Phụ lục, quy định khá toàn diện về các vùng biển và quy chế pháp lý của chung cũng như các vấn đề có liên quan của luật biển quốc tế, trong đó quan trọng nhất là các quy định về:

- Nội thủy

- Lãnh hải;

- Vùng tiếp giáp;

- Vùng đặc quyền kinh tế;

- Thềm lục địa bao gồm cả thềm lục địa mở rộng;

- Biển cả (Công hải);

- Quy chế đảo và quốc gia quần đảo;

- Giải quyết tranh chấp

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển và đại dương

Ngoài ra Công ước cũng có những quy định về eo biển quốc tế, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, Vùng (Khu vực quốc tế đáy đại dương)…

2. Những vùng biển được quy định trong Công ước

Theo Công ước, về nguyên tắc quốc gia ven biển, kể cả quốc gia quần đảo có quyền có 5 vùng biển sau: (i) Nội thủy; (ii) Lãnh hải; (iii) Vùng tiếp giáp; (iv) Vùng đặc quyền kinh tế; và (v) Thềm lục địa (kể cả thềm lục địa kéo dài). Tuy nhiên, việc quốc gia ven biển có đầy đủ 5 vùng biển kể trên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm và cấu tạo địa lý của quốc gia ven biển. Việt Nam là một quốc gia ven biển và có đặc điểm địa lý phù hợp cho việc yêu sách cả 5 vùng biển nêu trên.

Xét về tính chất pháp lý, 5 vùng biển mà quốc gia ven biển có quyền yêu sách theo Công ước có thể được chia thành 2 nhóm khác nhau:

a) Các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển bao gồm: (i) Nội thủy (vùng biển nằm phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải); và (ii) Lãnh hải (vùng biển rộng 12 hải lý phía ngoài đường cơ sở). Các vùng biển này có quy chế pháp lý như lãnh thổ lục địa. Điều này có nghĩa là quốc gia ven biển có quyền thực thi chủ quyền của mình tại vùng biển này như đối với lãnh thổ đất liền (trừ quyền qua lại vô hại lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài).

b) Các vùng biển mà quốc gia thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm: (i) Vùng tiếp giáp (vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền lãnh hải và rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở); (ii) Vùng đặc quyền kinh tế (vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền với lãnh hải, rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở); và (iii) Thềm lục địa (bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phía bên ngoài của lãnh hải trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở trong trường hợp ranh giới ngoài của thềm lục địa ít hơn 200 hải lý). Tại các vùng biển này, quốc gia ven biển được thực hiện một số quyền mang tính chất chủ quyền và chỉ có quyền tài phán trong một số lĩnh vực nhất định (sẽ được trình bày cụ thể ở các phần sau).

3. Đường cơ sở

Đường cơ sở (baseline) là đường dùng để xác định chiều rộng lãnh hải, vùng ĐQKT, Thềm lục địa của quốc gia ven biển. Trong những điều kiện thông thường, các quốc gia ven biển có thể lấy ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển làm đường cơ sở. Trong một số điều kiện đặc biệt (như có sự hiện diện của 1 chuối đảo ven bờ, bờ biển bị lồi lõm liên tục…), quốc gia ven biển có thể chọn một số điểm thích hợp làm điểm cơ sở và nối những điểm này thành đường cơ sở (đường cơ sở thẳng). Quốc gia ven biển cũng có thể kết hợp cả 2 phương pháp xác định đường cơ sở nêu trên.

4. Nội thủy

Nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

5. Lãnh hải

Lãnh hải của quốc gia ven biển là vùng biển tiếp liền và nằm phía ngoài đường cơ sở, thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Theo quy định tại Công ước 1982, các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình tới một giới hạn không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Chủ quyền quốc gia ven biển đối với lãnh hải không phải tuyệt đối như đối với nội thủy do Công ước 1982 thừa nhận nhận quyền qua lại vô hại lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài. Đây chính là sự thỏa hiệp giữa các quốc gia ven biển và các cường quốc hàng hải trong việc thừa nhận quốc gia ven biển có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý (trước đây, thông thường lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ rộng 3 hải lý).

Về quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài, Công ước 1982 quy định:

- Tất cả các loại tàu thuyền (dân sự và quân sự) của tất cả các nước đều được hưởng quyền qua lại vô hại mà không có sự phân biệt đối xử (Điều 17).

- “Qua lại” tức là đi qua lãnh hải để vào nội thủy; hoặc từ nội thủy đi ra qua lãnh hải; hoặc đi qua lãnh hải mà không vào nội thủy. Đi qua là trạng thái di chuyển liên tục của tàu thuyền, không được phép dừng lại (trừ trường hợp bất khả kháng như gặp sự cố thông thường về hàng hải, mắc cạn, hoặc vì mục đích cứu giúp người, phương tiện khác đang bị lâm nguy). Việc qua lại vô hại phải được tiến hành nhanh chóng và liên tục (Điều 18).

- “Qua lại vô hại” là không xâm phạm đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển, tuyệt đối không được tiến hành một hoặc nhiều những hành động sau đây khi đi qua lãnh hải: (i) đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của quốc gia ven biển; (ii) diễn tập quân sự; (iii) thu thập tin tức tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của quốc gia ven biển; (iv) tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng, an ninh của quốc gia ven biển; (v) phóng đi, tiếp nhận, sắp xếp các phương tiên bay; (vi) cất lên, hạ xuống hoặc đưa lên tàu những phương tiện quân sự; (vii) bốc dỡ hàng hóa, đưa lên xuống tiền bạc hoặc người trái với luật lệ hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế của quốc gia ven biển; (viii) gây ô nhiễm biển; (ix) đánh bắt hải sản; (x) nghiên cứu, khảo sát biển; (xi) làm rối lọan hệ thống liên lạc hoặc công trình, thiết bị của quốc gia ven biển; và (xii) các hoạt động khác không liên quan trực tiếp đến việc qua lại.

- Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong các vấn đề: (i) an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; (ii) bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; (iii) bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; (iv) ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và (v) ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.