Khi con dân đất Việt hướng về biển đảo
Năm 2014, nhiều cuộc Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được các cấp, ngành ở nhiều địa phương tổ chức, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người. Nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm và sinh động được trưng bày tại triển lãm đã giúp người dân hiểu rõ để xác quyết một điều không thể chối cãi: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!
Điều đáng nói ở đây là ngoài các văn bản (Hán nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ) do chính quyền phong kiến Việt Nam và chính quyền Bảo hộ Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày tại các cuộc triển lãm, còn có các tập bản đồ (atlas) do Trung Quốc cũng như một số nước phương Tây xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử được giới nghiên cứu, sưu tầm là con dân đất Việt ở trong và ngoài nước gửi về hiến tặng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng.
Nhiều hiện vật, tư liệu quý được trưng bày triển lãm tại Dak Lak thu hút sự quan tâm của mọi người. Ảnh: Hoàng Gia |
TS. Trần Đức Anh Sơn - Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, người chủ biên cuốn sách “Tư liệu về chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa” mới được Nhà xuất bản Văn học - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh ấn hành đầu năm 2014 tâm sự và ghi nhận rằng: Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim người Việt luôn hiện hữu. Vì thế, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc gần đây ở biển Đông, vi phạm đến chủ quyền của Việt Nam thì con dân đất Việt ở khắp mọi nơi, nếu có điều kiện và cơ hội - họ đều không tiếc công sức, tìm cách đóng góp và bày tỏ lòng yêu nước của mình bằng hành động thiết thực nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. TS. Sơn cho biết trong quá trình thực hiện cuốn sách trên có sự đóng góp quan trọng của nhiều người về mặt tư liệu, hình ảnh hết sức quý hiếm để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tư liệu ấy, giờ đây đã hiện diện sinh động trong các triển lãm được ví như “những cuộc triển lãm của lòng dân”. Họ là ai? TS. Sơn chia sẻ: họ là những người sưu tầm, gìn giữ nhiều tư liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong nhiều năm, thậm chí nhiều đời... để rồi khi cần họ hiến tặng các tư liệu đó cho các nhà nghiên cứu, hay các cơ quan hữu trách của Nhà nước với tâm nguyện góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Những tập atlas (bản đồ) được trưng bày tại triển lãm khẳng định rõ ràng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: H.G |
Người thứ nhất là ông Đỗ Văn Minh ở TP. Huế, chủ sở hữu bản sách “Khải đồng thuyết ước” khắc in năm 1881, đời Vua Tự Đức. Đây là sách dạy trẻ em bắt đầu học chữ Hán, nội dung đề cập đến nhiều lĩnh vực: thiên văn, địa lý, lịch sử, danh nhân... của nước Việt, trong đó có phần in 8 tấm bản đồ có tên là Bản quốc địa đồ (Bản đồ nước ta). Trên bản đồ này, phần vẽ vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên đến Quảng Nam có một địa danh ghi bằng ba chữ Hán: Hoàng Sa chữ (Bãi Hoàng Sa). TS. Sơn cho biết: đây là tài liệu rất quan trọng nên anh đề nghị ông Minh chuyển nhượng để đưa vào font tư liệu Hoàng Sa mà anh cùng đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đang thực hiện. Tuy nhiên do cuốn sách này là kỷ vật của người cha để lại nên ông Minh không muốn sang nhượng lại cho bất kỳ ai. Sau nhiều tháng suy nghĩ, cuối cùng ông cũng tặng cho TS. Sơn tờ Bản quốc địa đồ và cho phép scan toàn bộ cuốn sách để đưa vào font tư liệu về Hoàng Sa. Đây là một trong sáu tư liệu gốc quý hiếm nhất liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được phát hiện trong phạm vi cả nước.
Người thứ hai là anh Trần Thắng, một kỹ sư đang làm việc cho Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney ở bang Connecticut (Hoa Kỳ). Anh Trần Thắng đã đến một số thư viện ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ như: Princeton, Columbia, Astor ở TP. New York đang lưu giữ những tấm bản đồ do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX, có hình ảnh hoặc ghi chú khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để tra cứu, sao chụp những thông tin liên quan giúp nhóm nghiên cứu của TS, Sơn. Nhờ sự giúp đỡ của anh Trần Thắng, nhóm nghiên cứu đã sưu tập được 112 tư liệu thành văn với 6 ngôn ngữ khác nhau, gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và 56 tấm bản đồ do các nước phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên.
Đặc biệt kỹ sư Trần Thắng đã thu thập được 150 tờ bản đồ xuất bản từ năm 1626 đến năm 1980 do phương Tây ấn hành, xác nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, còn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Ngoài ra anh Trần Thắng còn sưu tập được 3 cuốn atlas do chính quyền Trung Quốc trước đây xuất bản, gồm Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919, sau đó tái bản năm 1933). Những bản đồ này đều chỉ rõ cương vực cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi. Đây là tư liệu rất quý và hữu ích cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua đó phản bác những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Kỹ sư Trần Thắng làm những công việc trên với lời nhắn gửi: “Làm thế nào để phát huy tối đa giá trị bộ sưu tập trong công tác tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Người thứ ba là ông Nguyễn Đức, ông gửi cho TS. Sơn một bức thư từ Hà Lan. Bên trong bức thư có 2 tờ bản đồ và mẫu giấy nhỏ ghi xuất xứ của bản đồ cùng lời chúc sức khỏe và email của người gửi. Đây là hai bản đồ được xuất bản ở Leipzir (Đức, xuất bản năm 1896 và 1912). Hai bản đồ này cung cấp thêm những thông tin để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Ba con người này đang sống ở những nơi khác nhau, có thân phận và địa vị xã hội khác nhau, nhưng giống nhau một điểm: đó là những người yêu nước và đã thể hiện thái độ đó qua việc hiến tặng những tư liệu quý giá nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc - TS. Sơn bày tỏ sự trân trọng như thế đối với họ và cho rằng: những hình ảnh, tư liệu, hiện vật (trong đó có sự đóng góp của họ) được trưng bày tại các cuộc triển lãm khắp các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm và các triều đại phong kiến thời trung đại, các Nhà nước Việt Nam thời cận đại đã liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo trên cũng như đối với toàn bộ biển đảo Việt Nam ở biển Đông. Trung Quốc không có bất cứ liên quan gì đến hai quần đảo này và những vùng biển đảo của Việt Nam. Đồng thời đó là chứng cứ lịch sử, pháp lý thuyết phục nhất để phản bác lại những tuyên bố về “vùng nước lịch sử” hay “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ rõ những tuyên bố đó là dối trá và hết sức vô căn cứ! Có thể nói việc làm của những người con đất Việt như thế đã góp phần khẳng định sức mạnh và tâm thế của một đất nước quật cường, yêu chuộng hòa bình như thế nào trước mọi thế lực đe dọa của ngoại bang.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc