Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Đắk Lắk 5 năm qua

09:48, 13/10/2015
Giai đoạn 2010-2015, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Đó là tình trạng suy thoái kinh tế của nhiều nước và khu vực trên thế giới; những vấn đề mới phát sinh do các tranh chấp trên Biển Đông; doanh nghiệp hoạt động đình trệ, thua lỗ, giải thể; khô hạn diễn ra khốc liệt… Tất cả các yếu tố trên đan xen tác động đến quá trình phát triển của tỉnh. Song với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng.

°Quy mô, chất lượng nền kinh tế tiếp tục được nâng lên: Trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh năm 1994) vẫn đạt mức tăng khá, bình quân 8%/năm. So với năm 2010, quy mô nền kinh tế năm 2015 gấp gần 1,5 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng, gấp 2,2 lần. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tiến bộ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. Năm 2015, ước tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47%, giảm 2,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,2%, tăng 0,5%; dịch vụ chiếm 36,7%, tăng 2,7% so với năm 2010.

 Dây chuyền  sản xuất bia  tại  Nhà máy Bia  Sài Gòn - Đắk Lắk.   Ảnh:  Hoàng Gia
Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

°Nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển đi vào chiều sâu: Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp khá ổn định, bình quân tăng 4%/năm. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cà phê, cao su, tiêu đều tăng diện tích và từng bước thực hiện tái canh, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, quản lý dịch bệnh, tưới nước, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch... đã cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ước tính giá trị sản xuất bình quân/1 ha đất nông nghiệp năm 2015 đạt khoảng 72,3 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Đến tháng 9-2015, bình quân chung toàn tỉnh đã đạt 10,4 tiêu chí/xã và có 7 xã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới.

°Từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng: Hệ thống các đô thị, điểm dân cư nông thôn tiếp tục được quy hoạch và phát triển. Đô thị trung tâm của tỉnh - thành phố Buôn Ma Thuột đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đang xây dựng, phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Các tuyến giao thông đối ngoại như: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và các tuyến quốc lộ đã và đang được cải tạo mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới. Giao thông đối nội đã kết nối thông suốt đến 100% trung tâm các xã trên toàn tỉnh, trong đó nhựa hoá và bê tông hoá 95,5% đường tỉnh, 81% đường huyện và 42% đường xã.

°Thương mại - dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng: Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,6%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15,2%/năm; giá trị năm 2015 ước đạt 47.686 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng và hoạt động khá tốt, góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giữ bình ổn giá và từng bước hình thành thói quen giao dịch văn minh, hiện đại trong dân cư.

°Doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh: Các doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp theo kế hoạch và hoạt động có hiệu quả hơn. Kinh tế tập thể được quan tâm hỗ trợ phát triển, các tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới ngày càng tăng về số lượng và chất lượng hoạt động; vai trò của thành phần kinh tế này được phát huy rõ nét hơn trong cơ chế thị trường và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của doanh nghiệp ngoài quốc doanh từng bước phục hồi, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 5.813 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đăng ký gần 19.200 tỷ đồng.

°Bước tiến trong kiên cố hóa, chuẩn hóa trường lớp học: Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư, xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa. So với năm 2010, năm 2015, đạt 95% thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo, tăng 10,7%; có 68,5% số phòng học đã được kiên cố hóa, tăng 10%; 31% số trường đạt Chuẩn Quốc gia, tăng 19,4%. Quy mô chất lượng ở các bậc học có sự tiến bộ, duy trì được kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở toàn tỉnh. Đến nay có 50% lao động của tỉnh đã qua đào tạo, tăng 13%; trong đó có 40% qua đào tạo nghề, tăng 11% so với năm 2010.

°Đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng dần chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến. Xã hội hóa y dược tư nhân phát triển mạnh và được quản lý tốt hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của ngành Y tế được tăng cường. Mạng lưới bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp và trang bị mới nhiều thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh. Đến năm 2015, có 75,5% xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, trung bình có 6,6 bác sĩ và 22,8 giường bệnh/1 vạn dân.

Đàm Thuần (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.