Tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế 2 huyện vùng biên
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng biên giới đã có bước phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Tiếp tục tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 huyện biên giới phát triển tương xứng với tiềm năng được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.
Cánh đồng lúa ở xã Ea Lê. Ảnh: Tuệ Anh |
Vùng biên giới của tỉnh nằm trên địa bàn 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn, tiếp giáp tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia với tổng chiều dài đường biên giới chung khoảng 73 km, gồm 33 km đất liền và 40 km sông suối. Trong đó, 4 xã biên giới là Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung (Ea Súp) và Krông Na (Buôn Đôn). Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt cho nên việc phát triển kinh tế vùng biên luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, dân số của 4 xã biên giới là 5.488 hộ với 20.939 khẩu, 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống gây khó khăn trong việc quản lý nhân khẩu và phát sinh nhiêu vụ việc phức tạp về tranh chấp đất đai, an ninh trật tự, nông thôn… Trong những năm qua, để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biên giới. Qua gần 8 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, tình hình kinh tế - xã hội của 2 huyện biên giới đã có bước phát triển khá, công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị sản phẩm của huyện Buôn Đôn đạt 1.046 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 (theo giá cố định năm 1994) đạt 25,7 triệu đồng/năm; thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 77% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; 31% đường thôn, buôn được cứng hóa; thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng 12,19%/năm trong giai đoạn 2011-2015; huy động đầu tư toàn xã hội 845 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 1.200 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,2% năm 2011 xuống còn 23,22% năm 2015, bình quân hằng năm giảm 3,5%. Còn huyện Ea Súp, khi mới thành lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, sau gần 40 năm (1977-2015) xây dựng và phát triển, đến nay huyện Ea Súp đã hoàn toàn đổi mới. Đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị ngày một phát triển, huyện đã dần hình thành các cụm công nghiệp chế biến (khu công nghiệp xã Ea Lê), các công trình giao thông, thủy lợi đang từng bước được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống nhân dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức ngày một đa dạng, phong phú… Hiện nay, Ea Súp đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương, chủ động điều tiết, sử dụng nước phục vụ sản xuất trong mùa khô tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn hán cục bộ; đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, tăng diện tích lúa 2 vụ lên 70-80% diện tích canh tác; tăng diện tích gieo trồng kết hợp áp dụng các biện pháp canh tác khoa học và đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất cây lúa nước. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích gieo trồng lúa nước lên 17-18 nghìn ha, đưa năng suất lúa đạt 6-7 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt 100-110 nghìn tấn. Bên cạnh đó, tranh thủ những lợi thế về giao thông, đối ngoại như: Quốc lộ 14C (là trục dọc phía Tây và hành lang biên giới của tỉnh) đi qua địa bàn huyện Ea Súp, với tổng chiều dài 68,5 km; tỉnh lộ 1 nối liền huyện Ea Súp với huyện Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột; tỉnh lộ 16 là đường ra biên giới nối từ xã Cư M’lan đến Quốc lộ 14C dài 42 km đang chuẩn bị được đầu tư nâng cấp… để địa phương này có những bước đi đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập vào quá trình phát triển chung của tỉnh.
Lớp học xóa mù chữ ở xã Ia R’vê (Ea Súp). Ảnh: Lê Hương |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của vùng biên giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng các xã biên giới còn lạc hậu, chưa được đầu tư đồng bộ, tính kết nối trong khu vực kém, làm giảm khả năng thông thương, giao lưu buôn bán, hợp tác đầu tư trong khu vực. Cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết chưa hoàn thành, các hoạt động thương mại biên giới cũng như mô hình quản lý cửa khẩu chưa được thành lập, kết quả việc thực hiện chương trình nông thôn mới còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo con cao… Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, cũng như trong khu vực; do vậy, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho vùng biên giới, có trọng điểm, trọng tâm, theo chiều sâu, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; khai thác tốt thị trường nông sản trong nước, phát triển thương mại đồng bộ tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh, chú trọng hạ tầng thương mại nông thôn, thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng thương mại, khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê, chợ biên giới. Song song đó là thực hiện tốt công tác đối ngoại, tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về biên giới và triển khai thực hiện lộ trình phân giới cắm mốc theo quy định góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị cùng hợp tác phát triển với nước láng giềng.
Y Biêr Niê
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc